Nhiều chuyển biến tích cực
Trên kết quả sản xuất kinh doanh này, 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm - ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBQLV) cho biết.
Bên cạnh đó, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đến hết tháng 6/2024 ước đạt gần 67.000 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh đánh giá, các hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chính trị thế giới chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với những cạnh tranh chiến lược về kinh tế - thương mại, đối đầu về công nghệ giữa các nước lớn, biến động về thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa và vận tải đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế khu vực và trong nước.
Tuy nhiên, các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ; tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo nguồn lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Về phía UBQLV, phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ và đạt được một số kết quả tích cực.
Trong đó, đối với phương án xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), trên cơ sở kết quả kiểm đếm và kết quả đàm phán thỏa thuận chấm dứt, thanh lý hợp đồng nhà thầu trọn gói (EPC), Ủy ban sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý Dự án TISCO 2 theo quy định.
Đối với phương án xử lý Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), Ủy ban đã có tờ trình báo cáo Thường trực Chính phủ về việc thông qua dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị phương án xử lý dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án VTM. Sau khi có kết luận của Thường trực Chính phủ, UBQLV sẽ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Về phương án xử lý Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban đã họp với các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm việc, thống nhất với các bên liên quan về đề xuất phương án xử lý DQS. Ngày 03/7 vừa qua, Ủy ban đã có báo cáo phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án xử lý DQS và sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Chính trị theo kết luận của Thường trực Chính phủ.
Nỗ lực vượt khó khăn
Trao đổi về định hướng công tác 6 tháng cuối năm, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV đã thực hiện các bước cân đối nguồn lực, kiện toàn bộ máy, phương thức làm việc để quá trình quản lý, đôn đốc các dự án quan trọng được đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Liên quan đến 02 dự án trọng điểm, ACV đã chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành từng hạng mục. Theo đó, Dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với vốn đầu tư 11 nghìn tỷ đồng đã đạt 60% khối lượng. Nhà thầu đã thi công xong phần thô và đang đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/2025).
Còn với Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhiều hạng mục quan trọng cũng đang bám sát và vượt tiến độ. Nhờ có sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện, nguồn lực để ACV tăng tốc đưa các dự án về đích đúng hẹn - ông Thanh nhận định.
Trong lĩnh vực hàng không, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo “Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty sớm phục hồi và phát triển giai đoạn 2021-2035”.
Mong UBQLV tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Tổng công ty trong quá trình hoàn thiện, báo cáo các cấp thẩm quyền về Đề án nhằm nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, tạo tiền đề để Tổng công ty mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững trong dài hạn - ông Hòa bày tỏ.
Từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Anh Tuấn - Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong bối cảnh thời tiết có nhiều thời điểm rất khắc nghiệt, nhu cầu điện liên tục tăng cao.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2024 đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023, và tăng rất cao so với kế hoạch; sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất đã đạt mức 1,02 tỷ kWh. EVN đã điều hành, huy động hợp lý các nguồn điện đảm bảo cung ứng điện, cũng như tối ưu chi phí. Bởi EVN đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Tăng cường tích lũy, đẩy mạnh đầu tư
Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, năm 2024 ghi dấu sự chuyển biến tích cực của nhiều doanh nghiệp, rõ nét nhất là EVN và ACV; đây vốn là 2 đơn vị của Ủy ban nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và dư luận trong năm 2023. Nhưng sau 6 tháng đầu năm 2024, hai doanh nghiệp này đã có những biến chuyển tích cực trong hoạt động quản trị, điều hành, đạt được những kết quả tiêu biểu trong hoạt động đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBQLV, những kết quả đạt được là minh chứng cụ thể, rõ nét trong việc thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp và sự phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của UBQLV. Bên cạnh đó, các Vụ chức năng của Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
“Kết quả đạt được của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu đạt được trong 6 tháng đầu năm đã góp phần giúp cả nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024”
Ông Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, UBQLV đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các Chiến lược, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, Đề án cơ cấu lại của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt hoặc chấp thuận các Chiến lược, Kế hoạch 5 năm, Đề án cơ cấu lại của hầu hết các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong công tác đầu tư của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng nêu quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, cũng như các đột phá chiến lược. Đồng thời cần nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao mà các doanh nghiệp đang nắm giữ.
Do đó, Phó Chủ tịch UBQLV Hồ Sỹ Hùng yêu cầu 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong 6 tháng cuối năm 2024 cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích lũy, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.