Cần lồng ghép vấn đề BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.Ảnh minh họa
Hàm lượng biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch còn hạn chế
Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011, trong đó đề cập tới nội dung “lồng ghép vấn đề về BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế công trình, cơ sở hạ tầng dựa trên các kịch bản BĐKH; thực hiện từng bước để đến năm 2030 hoàn thiện và ổn định các khu kinh tế bền vững, chống chịu an toàn với BĐKH”.
Báo cáo của Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, 5 năm trở lại đây, công tác lồng ghép BĐKH trong các quy hoạch, chiến lược đã được quan tâm hơn ở tất cả các cấp, các ngành; tuy nhiên, việc này vẫn chỉ ở mức độ nhất định. Kết quả phân tích một số chiến lược hiện có cho thấy, khoảng 75% chiến lược đề cập đến BĐKH ở phần quan điểm song chỉ 25% chiến lược xác định mục tiêu có liên quan đến BĐKH, khoảng 85% chiến lược xác định giải pháp hoặc BĐKH được đề cập đến trong các giải pháp. Tuy nhiên, có chiến lược mặc dù ban hành sau Chiến lược quốc gia về BĐKH song lại không có bất cứ phần, mục, nội dung nào đề cập đến BĐKH, việc lựa chọn phương án chủ yếu căn cứ vào nguồn lực, mức tác động đến môi trường nói chung. Cùng với đó, hầu hết các chiến lược, quy hoạch vẫn xem xét, đề cập BĐKH như một khía cạnh của bảo vệ môi trường chứ không nhìn nhận như yếu tố riêng, trong khi BĐKH có tính chất liên ngành và bao trùm hơn. Nhìn chung, hàm lượng BĐKH trong hầu hết các chiến lược, quy hoạch còn khá hạn chế và chỉ đề cập đến cụm từ BĐKH nhiều hơn là việc xác định các giải pháp cụ thể.
Mới đây, Cục BĐKH đã tổ chức Hội thảo: “Tham vấn quy trình tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh” nhằm tiếp thu những đóng góp để hoàn thiện Hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh. Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan tới việc tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh bao gồm: nội dung tích hợp, tính khả thi của hướng tiếp cận tích hợp, lồng ghép nội dung này thông qua đánh giá môi trường chiến lược; quy trình các bước tích hợp, lồng ghép và những vấn đề cần lưu ý.
Ứng phó biến đổi khí hậu phải là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển
Các nước trên thế giới đã và đang nỗ lực nghiên cứu việc tích hợp chính sách bảo vệ môi trường vào các chính sách phát triển, ứng phó với BĐKH. Điều đó cho thấy việc tích hợp các chính sách và biện pháp ứng phó với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là xu hướng tất yếu của thế giới nhằm bảo đảm sự ổn định trong các hoạt động đầu tư và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các lĩnh vực do tác động của BĐKH. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần kết hợp tốt việc thực hiện các hoạt động thích ứng với tích hợp các rủi ro khí hậu dài hạn vào quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia cũng như các chính sách ngành, địa phương và dự án phát triển.
Theo chuyên gia Lê Đức Chung, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH được coi là một phần không thể tách rời của các chính sách phát triển. Các biện pháp này sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu tích hợp được với các chính sách, chiến lược phát triển. Đây là nguyên tắc quan trọng để thiết kế một chính sách hiệu quả nhằm đạt được cả lợi ích kinh tế, môi trường và ứng phó với BĐKH. Các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ được tích hợp và thực hiện sớm sẽ giảm thiểu những tổn thất cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là công cụ hữu hiệu để phân tích tác động qua lại giữa BĐKH và các quy hoạch phát triển; từ đó đề xuất các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ cần được tích hợp trong quy hoạch phát triển. Theo ThS. Tăng Thế Cường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thúc đẩy áp dụng ĐMC nhằm tích hợp BĐKH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển, Việt Nam cần nhận diện các chiến lược, quy hoạch phát triển phải thực hiện ĐMC, xác định BĐKH cần được tích hợp vào phần nào của quá trình ĐMC, xác định những chiến lược, quy hoạch tác động đáng kể và có khả năng thích ứng với BĐKH trong tương lai hoặc BĐKH có tác động đến chiến lược, quy hoạch, từ đó, phạm vi của chiến lược, quy hoạch nên được điều chỉnh để xét đến rủi ro và tính dễ bị tổn thương trước BĐKH…
Ngoài ra, theo khuyến nghị của các chuyên gia, BĐKH là vấn đề liên ngành, do đó, nhất thiết phải lồng ghép xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ các cấp phụ trách lĩnh vực này, đặc biệt cấp địa phương; nhanh chóng ban hành và áp dụng công cụ hướng dẫn đầu tư xanh, đầu tư hỗn hợp thích ứng và giảm nhẹ để thu hút nguồn lực cho việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch lồng ghép BĐKH. Việt Nam sớm xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ nông dân cải thiện khả năng thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; tăng cường tính chống chịu xã hội thông qua việc phát hiện, nhân rộng các mô hình/kiến thức/kinh nghiệm bản địa, cảnh báo sớm, truyền thông ở cấp cộng đồng, nghiên cứu áp dụng bảo hiểm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
HỒNG NHUNG