Xúc tiến thương mại trực tuyến - mở rộng thị trường xuất khẩu

(BKTO) - Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, NSNN đầu tư cho xúc tiến thương mại (XTTM) hạn chế, nhưng với sự đa dạng hóa hình thức và không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, Chương trình XTTM quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu nhờ thúc đẩy đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế...




Hoạt động XTTM trực tuyến sẽ giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch với đối tác. Ảnh minh họa

Thúc đẩy xuất khẩu, mở rộngthị trường

Tổng kết Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia giai đoạn 2016-2019, Bộ Công Thương đánh giá, Chương trình đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và tăng 8,7% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2018 và tăng 7,9% so với năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,118 tỷ USD. Với sự hỗ trợ của hoạt động XTTM, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ năm 2009 lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Triển khai các đề án trên thực tế, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN thực hiện các hoạt động XTTM, phát triển giao thương trong và ngoài nước. Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục XTTM - cho biết, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia (nay là Chương trình cấp quốc gia về XTTM) đã hỗ trợ được trên 30.000 lượt DN tham gia. Các DN đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động XTTM với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng. Ngay từ tháng 02/2020, khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra tại Trung Quốc, chưa ảnh hưởng đến các thị trường khác, Cục XTTM đã nhanh chóng triển khai các đề án XTTM tại các thị trường nước ngoài, tham gia 5 hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới tại Đức, Anh, UAE. Các DN tham gia các hội chợ, triển lãm đã ký kết được 41 hợp đồng trực tiếp trị giá 25 triệu USD.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mạitrực tuyến

Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Việt Nam và các nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động XTTM truyền thống về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Trong bối cảnh đó, để kịp thời hỗ trợ cộng đồng DN khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, Cục XTTM đã chủ động xây dựng và thực hiện thí điểm hoạt động XTTM trên các ứng dụng trực tuyến giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu, giữa các DN với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh. Theo đó, Cục XTTM đã chủ trì, phối hợp tổ chức 20 hoạt động XTTM trực tuyến, gồm 17 hội nghị giao thương trực tuyến và 3 hội thảo trực tuyến, kết nối các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam với các DN nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria... Các hoạt động trực tuyến tuy chưa mang lại kết quả thiết thực như các hoạt động XTTM truyền thống nhưng đã hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối giao thương, duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài, đồng thời tiếp xúc với khách hàng mới, đặt nền móng xây dựng quan hệ đối tác lâu dài, tạo tiền đề cho hoạt động XTTM hiệu quả hơn khi tiến tới gặp gỡ trực tiếp, đàm phán đơn hàng trong tương lai.

Trao đổi tại Tọa đàm XTTM trực tuyến - Chìa khóa mở cửa thị trường cho DN vừa diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Tài cho biết thêm, Cục XTTM cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số để hỗ trợ cho các DN và các địa phương trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, Cục đã xây dựng và thực hiện thí điểm các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hội chợ ảo, gian hàng trực tuyến, hỗ trợ DN thúc đẩy xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như: Amazon, Alibaba, Global source… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam thông qua môi trường điện tử; đào tạo, tập huấn online cho các DN.

Việc triển khai những hình thức mới này tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự hưởng ứng của các địa phương, cộng đồng DN, đến nay, Cục XTTM đã tổ chức được hơn 50 hội nghị trực tuyến và hơn 500 cuộc giao thương trực tuyến, phủ khắp được thị trường toàn cầu.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Việt Hồng - Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch với đối tác. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả, yêu cầu đặt ra là các DN cũng phải chuẩn bị kỹ càng về nhân sự tham dự, có kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết về ngành hàng kinh doanh và khả năng giao tiếp, nhất là bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, sự chủ động của các DN cũng rất quan trọng. Các DN cần cập nhật thông tin, liên kết với đối tác ở nước ngoài để tham dự các triển lãm online quốc tế, bởi trong giai đoạn này, các nhà tổ chức triển lãm cũng thay đổi phương thức tổ chức, kết nối các DN.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Chính sách ưu đãi góp phần thúc đẩy  công nghiệp ô tô phát triển
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngành hải quan đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn phát sinh nhằm đồng hành với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.
  • Cần gỡ “nút thắt” về vốn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vốn. Nhiều chủ trương, chính sách vay vốn ưu đãi cho lĩnh vực này đã được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng của nông dân vẫn còn khó khăn do vướng về thủ tục đất đai và nhiều quy định khác.
  • Để hệ thống tiêu chuẩn không là rào cản thương mại trên con đường hội nhập
    4 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn có thể là rào cản kỹ thuật khắt khe đối với thương mại, nhất là thương mại quốc tế. Tuy nhiên, rào cản này sẽ được tháo gỡ khi tiêu chuẩn quốc gia (TCQG) có sự hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu này.
  • Petrovietnam nộp ngân sách Nhà nước hơn 58 nghìn tỷ đồng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Trong 10 tháng đầu năm 2020, sản lượng quy dầu lũy kế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ước đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% so với kế hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 58,3 nghìn tỷ, đạt 86% kế hoạch.
  • Chiến lược thị trường cho các doanh nghiệp Việt trong thập kỷ 2020-2030
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sáng 05/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với một số đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020-2030”.
Xúc tiến thương mại trực tuyến - mở rộng thị trường xuất khẩu