Vốn cho vay ở các ngân hàng dư thừa nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận
Vốn cho vay dư thừanhưng nông dân khó tiếp cận
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho biết, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Trong đó có chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, từ 70% đến 80% giá trị dự án, DN có phương án sản xuất kinh doanh đối với hợp tác xã, DN ứng dụng công nghệ cao...
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Ngoài ra, từ đầu năm 2020 tới nay, NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay… Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho hay, Agribank cũng như các NHTM khác, tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng.
Mặc dù các ngân hàng dư thừa vốn cho vay nhưng thực tế DN và nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Theo phản ánh của ông Nguyễn Thanh Tân - chủ trang trại nuôi lươn Thanh Tân (Vĩnh Long), năm 2019, trang trại lươn giống Thanh Tân thu lãi 2 tỷ đồng trên doanh thu 5 tỷ đồng, dự kiến năm 2020, doanh thu sẽ đạt 10 tỷ đồng. Mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn, trang trại chỉ mới đáp ứng được 1% nhu cầu khách hàng song ông Tân lại không thể mở rộng sản xuất bởi thiếu vốn. “Ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vẫn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản đất đai của tôi hầu hết là đất thuê, do đó khi thẩm định, giá trị tài sản để cho vay không lớn, số tiền vay được không đáp ứng được nhu cầu” - ông Tân nói. Tương tự, nhiều hộ dân khác cũng băn khoăn vì đã đầu tư rất nhiều tài sản trên đất như nhà kính, nhà lồng… nhưng lại không thể sử dụng tài sản này thế chấp ngân hàng.
Vướng quy định cho vay
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn cho phép các DN, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải khẳng định được tính lâu dài, phải có quy mô và sản xuất bài bản. Nhưng trên thực tế, những mô hình, dự án nông nghiệp này chưa nhiều nên khi xem xét cho vay để đảm bảo được rủi ro cho ngân hàng thì các ngân hàng phải yêu cầu DN, hộ nông dân phải chứng minh được dòng tiền. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Về vấn đề tài sản thế chấp của các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Toàn Vượng thừa nhận, NHNN đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo nhưng chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện. “Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế, chính sách đã mở. Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay thế chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất kinh doanh phải thực sự khả thi” - ông Vượng khẳng định.
Để giải bài toán tiếp cận vốn, nhiều chuyên gia cho rằng, các Bộ, ban, ngành liên quan cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để chấp thuận các tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi… trở thành tài sản đảm bảo vay nợ, tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay; bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Bài và ảnh: LÊ HÒA