Tiền Giang định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường đến năm 2050

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2050, Tiền Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Quyết định số 1762/QĐ-TTg cũng có đặt mục tiêu tổng quát đưa Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 

khu-cn-tien-giang.jpg
Theo Quyết định số 1762/QĐ-TTg, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước. Ảnh minh họa 

Trong giai đoạn 2021-2030, Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0-8,0%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 41,5-43,5%; ngành dịch vụ chiếm 29,5-30,0%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 21,5-23,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, tự cân đối thu chi ngân sách.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Cụ thể, Tiền Giang phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến-chế tạo, công nghệ cao...

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ phát triển mạnh du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn, văn hóa-thể thao, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Đẩy mạnh liên kết với thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh.

Tiền Giang cũng sẽ tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (vùng trái cây, lúa, thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa./.

Cùng chuyên mục
Tiền Giang định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường đến năm 2050