Tiếp nhận nhiều nhiệm vụ cho năm 2024, lãi suất vẫn tiếp tục giảm

(BKTO) - Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong năm 2024 cho ngành Ngân hàng. Trong khi đó, diễn biến thị trường cho thấy mặt bằng lãi suất cả ở thị trường dân cư và thị trường liên ngân hàng đều giảm.

Tiếp nhận nhiều nhiệm vụ từ Thủ tướng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng cho hoạt động tiền tệ năm 2024.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.

Lượng tiền gửi đạt mức cao nhất trong lịch sử
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng. Đây là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác gồm có thực hiện cơ cấu lại hệ thống gắn với xử lý nợ xấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính...

Tiếp nhận nhiều nhiệm vụ cho năm 2024, lãi suất vẫn tiếp tục giảm
Mục tiêu đặt ra tiếp tục có những giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng tốt hơn. Ảnh: T.L

Đặt mục tiêu mới cho tín dụng chính sách

Tuần qua, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đã họp và đưa ra mục tiêu cho năm 2024 cao hơn năm 2023.

Trong năm 2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 39.174 tỷ đồng, tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 332 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đến hết năm 2023, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 38.400 tỷ đồng, với 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao trong 2 năm 2022-2023. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỷ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022-2023 là 2.995,2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết trong năm 2023, ngân hàng đã chủ động bám sát nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh; kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Lãi suất giảm trên cả 2 thị trường

Tuần qua, lãi suất trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư đều giảm. Tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất sau một số ngày nhích tăng lại quay đầu giảm với lãi suất cho vay qua đêm lùi về mức chỉ còn 0,15%. Với các kỳ hạn khác, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 0,26%, kỳ hạn 2 tuần là 0,41%, kỳ hạn 1 tháng là 2,19%...

Tại thị trường dân cư, Vietcombank cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1 - 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn. Tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank giảm từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm; lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 3 tháng cũng giảm xuống còn 2%/năm. Lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm.

Tỷ giá nhích tăng

Tỷ giá trong tuần qua có xu hướng nhích tăng. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm đầu tuần ở mức 23.933 đồng/USD. Sau khi giảm nhẹ vào giữa tuần thì tỷ giá trung tâm lại bật tăng vào cuối tuần và kết thúc tuần ở mức 23.976 đồng/USD, tăng 43 đồng mỗi USD so với đầu tuần.

Trong khi đó, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm đầu tuần là 24.515 đồng/USD, duy trì đà tăng là chủ yếu trong các ngày trong tuần và đến hôm cuối tuần ngày 12/1 ở mức 24.660 đồng/USD.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ sau một nhịp phục hồi trong tuần đầu tháng 1 thì đã duy trì đà đi ngang trong tuần vừa qua. Tại thời điểm chiều ngày 12/1, chỉ số này ghi nhận ở mức 102,34 điểm.

Tiếp nhận nhiều nhiệm vụ cho năm 2024, lãi suất vẫn tiếp tục giảm
Giá vàng trong nước lại có tín hiệu nhích tăng. Ảnh: T.L

Giá vàng trong nước tăng nhẹ

Giá vàng thế giới tuần qua có thời điểm giảm sâu về mức chỉ còn 2.015 USD/ounce nhưng sau đó phục hồi vào cuối tuần, ghi nhuận mặt bằng giá khoảng 2.038 USD/ounce vào chiều ngày 12/1 theo giờ Việt Nam.

Hiện tại, sự ổn định của đồng USD khiến cho giá vàng chưa xác định rõ xu hướng. Tuy nhiên, dữ liệu mới về tâm lý nhà đầu tư cho thấy giới đầu tư lại tăng kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 3/2024. Công cụ FEDWatch đo lường các dự báo về hành động của FED cho thấy 66,5% khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 3, cao hơn so với mức dưới 60% ghi nhận trong tuần trước.

Giá vàng trong nước tuần có cũng có xu hướng nhích tăng trở lại sau một giai đoạn ít biến động diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 1/2024. Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận mức mua vào là 73,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 76 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá bán ra đã cao hơn tuần trước khoảng 1 triệu đồng/lượng và giá mua vào cao hơn khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 chiều ngày 12/2 là 62,2 triệu đồng/lượng mua vào và 63,3 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn khoảng 300 nghìn đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.

Tín dụng tăng trưởng 13,71% chứ không phải 13,5%
Số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong tuần này cho biết tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022. Con số này cao hơn mức 13,5% cũng do Ngân hàng Nhà nước công bố trong tuần trước.


Cùng chuyên mục
Tiếp nhận nhiều nhiệm vụ cho năm 2024, lãi suất vẫn tiếp tục giảm