Hướng đến giảm áp lực thi cử
Kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện từ năm 2015 đến nay, giảm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và hai kỳ thi tuyển sinh đại học, một kỳ thi tuyển sinh cao đẳng xuống còn một kỳ thi chung cho cả nước. Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét tốt nghiệp và các trường sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng từ năm học 2020-2021, việc đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT được đánh giá là tất yếu.
Theo Dự thảo Phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng, Kỳ thi THPT hiện hành sẽ được duy trì đến năm 2020 và cải tiến vào năm 2021. Như vậy, sẽ có ít nhất một lần đổi mới thi từ năm 2021 đến khi có “lứa” học sinh lớp 12 đầu tiên học theo chương trình giáo dục mới ra trường (theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì năm học 2024-2025, việc thay sách giáo khoa sẽ diễn ra đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12).
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Với Giấy chứng nhận này, các em có thể ra trường, làm các công việc phù hợp. Còn những học sinh có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng Tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia, từ đó mở ra những cơ hội học tập cao hơn.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa ra sáng kiến về tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo Kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, thuận tiện nhất cho học sinh và gia đình. Theo đó, lộ trình thi THPT từ năm 2021 đến 2024 sẽ được Bộ công bố rộng rãi trong năm nay. Đây sẽ là dịp để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến nhằm xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nhất.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), những quy định mới sẽ cho phép thí sinh có quyền lựa chọn thi hay không thi THPT quốc gia. Điều này sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh, khi nhiều em có mong muốn theo học nghề hoặc làm công việc khác ngay sau khi rời ghế trường phổ thông. Đây là một bước tiến lớn trong việc phân luồng giáo dục, sẽ có nhiều học sinh được định hướng nghề nghiệp sớm hơn.
Tiến tới thực hiện bài thi trên máy tính
Một trong những đề xuất liên quan đến phương án thi THPT nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội là tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. Nhìn lại thời gian 5 năm triển khai Kỳ thi THPT quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, công tác tổ chức Kỳ thi đã đạt được nhiều kết quả nhất định, Kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho học sinh, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, Kỳ thi này có thể làm tốt hơn nữa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao giảm bớt sự có mặt của con người, để kết quả thi được công bằng, tin cậy hơn. Theo ông Trinh, từ thực tiễn nhiều trường đại học đã tổ chức kiểm tra, thi trên máy tính cho sinh viên, Bộ GD&ĐT tính toán chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để bắt đầu từ năm 2021 thí điểm từng bước thi trên máy tính trong Kỳ thi THPT quốc gia. “Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ được Bộ công bố trước 1 năm các nội dung cụ thể về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi... để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia Kỳ thi” - ông Trinh cho biết.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cũng ủng hộ chủ trương ứng dụng công nghệ vào việc tổ chức Kỳ thi, cụ thể là tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. Nhưng để làm tốt điều này, Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch xây dựng lộ trình thích hợp bởi khó khăn không phải là thiết bị mà khó nhất là tạo được ngân hàng đề thi đủ lớn, có chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần phân cấp trong thực hiện Kỳ thi, để Bộ trở về đúng vai trò kiểm tra, giám sát, làm ngân hàng đề thi, thay vì Bộ đứng ra tổ chức như hiện nay.
Trên thực tế, phương án tổ chức làm bài thi trên máy tính đang được Bộ GD&ĐT xây dựng hiện nay cũng từng được nhiều chuyên gia, nhiều trường đại học đề xuất áp dụng trước đó. Song, nhiều trường tỏ ra thận trọng với việc triển khai phương án này. GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, Bộ cần phải xem tác động đối với xã hội, người học, tác động để có nguồn nhân lực trong tương lai ra sao và tác động đến đổi mới nói chung. Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào, nhưng cần quan tâm các điều kiện bảo đảm tính khả thi như: hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thi thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài, lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 17-10-2019