Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của thành viên HTX. Ảnh: TTXVN
Đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ, thành viên hợp tác xã
Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, về cơ bản, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các HTX không có nhiều thay đổi từ Luật HTX năm 2003 sang Luật HTX năm 2012, chỉ mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho các thành viên HTX.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, từ năm 2002-2018, đã có 391.284 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, 34.973 cán bộ HTX được hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp đến đại học. Ngân sách T.Ư hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng HTX, tổ hợp tác giai đoạn 2007-2018 khoảng 448 tỷ, ngân sách địa phương khoảng 648 tỷ đồng. Số lượt người được tham gia đào tạo và bồi dưỡng tăng dần qua các năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Đối tượng tập huấn được mở rộng cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ quản lý và thành viên HTX.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được Bộ KH&ĐT đánh giá đáp ứng được một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Trong đó, các nội dung được chú trọng gồm: hướng dẫn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về HTX, các luật liên quan, các vấn đề về tài chính, kế toán, tổ chức quản lý HTX, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh... Các khóa tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần giúp cho cán bộ quản lý trong các HTX cải thiện về công tác tổ chức điều hành, từng bước kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng HTX yếu kém, trung bình, nâng số lượng HTX khá giỏi với mô hình HTX đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao ngày một tăng. Tính đến ngày 31/12/2018, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 46%; số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 18%. Từ năm 2017 đến hết năm 2018, có 24 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX và đã đưa 508 cán bộ trẻ về làm việc tại 348 HTX.
Nguồn nhân lực còn nhiềubất cập, hạn chế
Mặc dù chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến nhưng số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 6%) so với tổng số hơn 6 triệu cán bộ, thành viên HTX cả nước, trong khi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là rất lớn; chưa mở rộng bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.
Đại diện của Bộ NN&PTNT cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX còn nhiều hạn chế, bất cập. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn dàn trải, phân tán ở nhiều ngành, đơn vị; chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của HTX; nội dung và phương thức đào tạo chưa phù hợp với từng đối tượng. Do không có kế hoạch đào tạo thống nhất nên nhiều cán bộ quản lý HTX năng lực yếu nhưng không được đào tạo, tập huấn.
Nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ HTX, nhất là các HTX nông nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều HTX gặp khó khăn. Cụ thể như, các HTX còn thiếu các kỹ năng: tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng dự án đề nghị Nhà nước hỗ trợ và vay vốn tín dụng, đàm phán hợp đồng, tham gia vào chuỗi liên kết, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu. Nhiều HTX còn thiếu cả đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ KH&ĐT, kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo, tập huấn còn hạn chế, các định mức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp, không phù hợp với tình hình thực tế; chưa có hệ thống đào tạo về kinh tế tập thể một cách bài bản, thống nhất, chưa thực hiện được việc đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Nội dung đào tạo, tập huấn nặng về lý thuyết, ít nội dung về kinh nghiệm thực tiễn của các HTX. Đội ngũ giảng viên chưa chuyên nghiệp, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm.
Đề xuất giải pháp, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước đối với HTX nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển HTX trong tình hình mới. Cùng với đó, cần phải khẩn trương kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX từ T.Ư đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở. Theo đó, ở T.Ư, cần tiếp tục hình thành bộ máy và bố trí cán bộ chuyên trách đối với những Bộ, ngành chưa có bộ máy và cán bộ chuyên trách. Ở địa phương, các sở tổ chức bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách tương tự như các Bộ, ngành ở T.Ư, trong đó quan tâm bố trí bộ phận, cán bộ chuyên trách về HTX ở cấp huyện và cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 17-10-2019