Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế

(BKTO) - Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 82/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, trong đó tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

thue-282.jpg
Ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh. Ảnh: ST

Mục tiêu của kế hoạch hành động nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập; tăng số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng cục Thuế sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho DN, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách theo quy định. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công.

Tổng cục Thuế yêu cầu, định kỳ trước ngày 05/6 và trước ngày 05/12 hằng năm, các đơn vị trực thuộc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao gửi Văn phòng Tổng cục Thuế để tổng hợp trình Tổng cục và báo cáo Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và cụ thể hóa thành kế hoạch hoặc văn bản triển khai (theo thực tế triển khai tại đơn vị).

Nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, quy định kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

Các đơn vị cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hành động, kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế.

thue-282s.jpg
Cần đa dạng hóa các phương thức và công cụ điện tử hỗ trợ TTHC thuế. Ảnh minh họa

Cải cách thủ tục hành chính thuế trong nền kinh tế số

Ngành thuế đặt mục tiêu, đến năm 2025 nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành thuế, đạt ít nhất 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC của Tổng cục Thuế.

Giai đoạn 2016 – 2022, chỉ duy nhất năm 2020 không có TTHC thuế được bãi bỏ, còn lại các năm đều có TTHC thuế được bãi bỏ.

Đặc biệt, việc rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC thuế được Tổng cục Thuế gắn với việc tham mưu để Bộ Tài chính ban hành Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, các mẫu biểu về thủ tục thuế đã giảm bớt những chỉ tiêu không thực sự cần thiết và hướng dẫn kê khai rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhờ cải cách TTHC, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của quy trình quản lý, ngành thuế đã góp phần bảo đảm cho việc thu ngân sách nhà nước từ thuế được thông suốt, hiệu quả cao.

Mặt khác, việc cải cách TTHC ở tất các khâu quản lý thuế đã góp phần giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình của cơ chế tự khai, tự nộp.

Theo PGS, TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế Hải quan (Học viện Tài chính) - mặc dù số lượng TTHC thuế đã được cắt giảm khá nhiều, song trên thực tế vẫn có những TTHC thuế không thực sự cần thiết.

Đặc biệt, các giao dịch trong nền kinh tế số ngày một gia tăng với số lượng lớn, gắn với đó là tốc độ xử lý khối lượng lớn. Nếu tiếp tục duy trì cách thức giao dịch và xử lý TTHC thuế truyền thống thì không đáp ứng được nhu cầu giao dịch kinh tế và quản lý thuế. Vì vậy, cần cải cách TTHC thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý phù hợp với đặc thù của nền kinh tế số.

PGS, TS. Lê Xuân Trường cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi các quy định pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan nhằm cắt giảm và hợp lý hóa TTHC thuế.

Chẳng hạn, có thể tiếp tục cắt giảm tối đa các hồ sơ phải nộp theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Thời gian tới sẽ xuất hiện thêm các thiết bị điện tử và các phương thức giao dịch và thanh toán mới. Vì thế, cơ quan thuế cần tận dụng lợi thế về nền tảng cơ sở vật chất và công nghệ của xã hội để hỗ trợ thực hiện TTHC thuế điện tử; đa dạng hóa các phương thức và công cụ điện tử hỗ trợ TTHC thuế.

Mặt khác, mở rộng và nâng cao chất lượng các tiện ích của các phần mềm hỗ trợ thực hiện TTHC thuế điện tử. Có thể sắp xếp lại các giao diện và tiện ích ở các phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế để người nộp thuế dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ sử dụng; bổ sung các chức năng tiếp nhận yêu cầu bằng giọng nói trên ứng dụng eTax Mobile; bổ sung chức năng xác thực bảo mật bằng sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay); hỗ trợ lựa chọn khoản nộp, mục lục ngân sách của khoản nộp bằng hệ thống tự động gợi ý từ yêu cầu bằng lời nói hoặc hiển thị trên giao diện…/.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế