Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ thị nêu: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Qua một năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án tại cơ quan, địa phương mình; báo cáo Cấp ủy Đảng đề xuất ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo triển khai Đề án 06 để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, hoàn thành trong tháng 3/2023.

Tổ chức quán triệt đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương:

Xác định triển khai Đề án 06 là một trong nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 để đạt được các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thời gian hoàn thành trong tháng 3/2023.

Tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hoàn thành trong tháng 9/2023; đối với 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ), hoàn thành trong tháng 6/2023.

Tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, hoàn thành trong tháng 6/2023; lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả...

Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6/2023; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.

Phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân, trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 01/01/2023. Thời gian hoàn thành trong tháng 3/2023.

Đẩy mạnh cung cấp, thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Thời gian hoàn thành trong tháng 3/2023.

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tại văn bản số 1552/BTTTT-TTH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thành kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2023…

Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06