Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân số 5409 ngày 03/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người Đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phải ra sức làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo quan điểm của Người, cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên nội dung toàn diện bao gồm cả về lý tưởng, đường lối, chính sách cũng như nhiệm vụ, đạo đức của người đảng viên. Đây được coi là biện pháp hàng đầu để rèn luyện, nâng cao chất lượng đảng viên: “…Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý việc tuyên truyền giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, vì theo Người: Muốn củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình thì cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền giáo dục đảng viên phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có phương pháp phù hợp nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành, phát triển: “Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ”.
Một công việc hết sức cần thiết là phải tiến hành nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Vì Đảng ta khéo dùng vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình nên Đảng ngày càng mạnh mẽ, phát triển và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Người cũng thẳng thắn chỉ ra: Khi có khuyết điểm thì Đảng ta luôn hoan nghênh công tác phê bình, thật thà phê bình và tích cực, kiên quyết sửa chữa, nên Đảng ngày càng thêm tiến bộ, càng thêm mạnh mẽ. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu việc phê bình và tự phê bình cần thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày”, bảo đảm chính xác, khách quan, tự giác và luôn mang tính xây dựng cao. Có như vậy thì phê bình và tự phê bình mới thật sự trở thành “Vũ khí thần diệu” trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Với quan điểm chi bộ là nền móng của Đảng, Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt… Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở phải thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chi bộ. Ngày 01/02/1961, tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Kết luận là cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi Bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”. Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả của sinh hoạt chi bộ, Người chỉ rõ phải có những biện pháp tổng hợp, nhất là vai trò trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, vì “Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”; đồng thời cần có sự hỗ trợ của tổ chức đảng cấp trên, trong đó có công tác kiểm tra: “Chỉ thị gửi cho chi bộ phải dễ hiểu để các đồng chí có thể thảo luận và nghiên cứu thi hành: Không khi nào được dùng mệnh lệnh. Phải chú ý kiểm tra công tác của các tổ chức Đảng cấp dưới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn yêu cầu duy trì chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng. Người đánh giá rất cao công tác kiểm tra: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Bởi kiểm tra có tác dụng thúc đẩy, giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức”. Người cũng nhắc nhở: Nếu giao công việc nhưng lại không kiểm tra, đến khi thất bại mới chú ý đến thì thế là không biết yêu quý cán bộ. Nhưng kiểm tra như thế nào để có chất lượng tốt, để kiểm tra thật sự có tác dụng với cán bộ, đảng viên cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ ràng: Không phải ngày nào cũng tiến hành kiểm tra, nhưng phải thường thường kiểm tra để giúp cán bộ, đảng viên phát triển ưu điểm và rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm.
Cùng với công tác kiểm tra, công tác kỷ luật của Đảng phải luôn thật sự nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định kỷ luật của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ và nghiêm túc. Tháng 5/1950, Người nêu rõ: “Đảng tổ chức rất nghiêm, khác với các đảng phái khác và các hội quần chúng. Trong Đảng chỉ kết nạp những phần tử hăng hái nhất, cách mạng nhất. Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”. Việc duy trì kỷ luật Đảng đòi hỏi phải công khai, nghiêm túc, tránh hình thức, kém hiệu quả. Tháng 3/1947, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc”.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những tư tưởng, quan điểm lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã đề ra và tiến hành các giải pháp tích cực để tạo sức mạnh tổng hợp cho cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng là những người chiến sĩ cách mạng. Thành công ấy của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã giúp cho Đảng ta ngày càng vững mạnh và phát triển.
Thành công đó đã bác bỏ những thông tin xấu độc của các thế lực chống phá khi chúng cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ giỏi tham nhũng, tiêu cực, tranh giành lợi ích, đấu đá nội bộ, chứ không chú ý đến việc rèn dũa đội ngũ cán bộ, đảng viên và nếu có rèn dũa thì cũng không thể đem lại kết quả. Vì vậy, chúng phán bừa rằng: Quan hệ giữa Đảng Cộng sản với dân đang ngày càng xấu đi, Đảng đang mất dần uy tín trong lòng dân...
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công tác xây dựng, chỉnh đốn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phương hướng chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển”./.