Hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề - xu hướng và thông lệ quốc tế
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế về chiến lược đào tạo G20 cho thấy, trong bối cảnh mới, lực lượng lao động có KNN có ý nghĩa quyết định tới năng suất lao động và nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đóng góp vào tăng trưởng GDP. Theo kết quả nghiên cứu, ở các nước châu Âu, nếu số ngày đào tạo kỹ năng tăng thêm 1% thì năng suất lao động tăng thêm 3% và 16% tăng trưởng năng suất lao động tổng thể là nhờ vào đào tạo kỹ năng.
Một nghiên cứu mới đây của Ban An sinh xã hội và Việc làm toàn cầu thuộc Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, trong bối cảnh lực lượng lao động đang già hóa và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2040, cộng với tỉ trọng lớn số lượng việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp và sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động cần phát triển đa dạng các kỹ năng để tiếp tục cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu ở cả hiện tại và tương lai.
Để xây dựng được lực lượng lao động có KNN, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất chú trọng tới việc thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nghề, DN tham gia đào tạo nghề. Điển hình là tại Singapore, mỗi người dân tại quốc gia này từ 11 tuổi trở lên được mở tài khoản tín dụng vô thời hạn có giá 500 SGD (đô la Singapore) để tham gia đào tạo và phát triển KNN.
Đồng thời, để tăng cường sở hữu cá nhân đối với sự phát triển kỹ năng và học tập suốt đời, mỗi công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên được mở tài khoản tín dụng kỹ năng tương lai trị giá 500 SGD, có hiệu lực trọn đời.
Nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên vừa học vừa làm lựa chọn giải pháp mới gắn với phát triển KNN thay cho giáo dục truyền thống, mỗi học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được cấp 5.000 SDG và người sử dụng lao động được cấp đến 15.000 SDG để bù đắp chi phí phát triển các lộ trình đào tạo có cấu trúc và phát triển nghề nghiệp.
Riêng lĩnh vực ưu tiên cho đối tượng vừa học vừa làm về tiếp thị kỹ thuật số, kỹ thuật 4.0, dịch vụ khách hàng là lĩnh vực có nhu cầu lao động cao được trợ cấp đào tạo giới hạn ở mức 500 SDG mỗi tháng và các nhà tuyển dụng tham gia nhận được khoản trợ cấp cố vấn trị giá 5.000 SDG.
Theo các chuyên gia, chính sách tín dụng và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia phát triển KNN của Chính phủ Singapore qua chương trình kỹ năng tương lai là kinh nghiệm đáng quý để Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
Khuyến khích, đầu tư để nâng tầm kỹ năng lao động
Cùng với việc học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần đánh giá lại việc thiết kế, triển khai các chính sách để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trong lĩnh vực GDNN.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã được áp dụng đối với người lao động tham gia phát triển KNN để tìm việc làm, duy trì và chuyển đổi việc làm.
Luật GDNN 2014 đã quy định các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế đối với các cơ sở GDNN. Luật Việc làm 2013 quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi nghề nghiệp, nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.
Tuy vậy, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao KNN, nhất là người lao động thuộc các nhóm yếu thế, lĩnh vực phi chính thức chưa đồng bộ, chưa đảm bảo hiệu quả bền vững và chưa thu hút được cộng đồng DN tham gia.
Việt Nam cũng chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích người sử dụng lao động, nhất là các DN tham gia các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG); chưa có chế độ ưu tiên về tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm cho những người lao động đã được cấp chứng chỉ KNNQG.
Để góp phần lấp đầy khoảng trống pháp luật, Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 dự kiến ban hành chính sách kỹ năng tương lai, bao gồm chính sách tín dụng và hỗ trợ phát triển KNN cho các đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.
Cụ thể, theo Dự thảo Đề án, người lao động dưới 25 tuổi được vay ưu đãi với mức cho vay tối thiểu bằng mức áp dụng cho học sinh, sinh viên để hỗ trợ học tập theo quy định của Chính phủ.
Người lao động từ 25 tuổi đến dưới 35 tuổi có nhu cầu cập nhật, nâng cao KNN để duy trì việc làm, tránh nguy cơ thất nghiệp được hỗ trợ cấp thẻ phát triển KNN 1 lần, mỗi thẻ có giá trị bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng.
Người lao động từ 35 tuổi trở lên được hỗ trợ cấp thẻ phát triển KNN bổ sung 1 lần để chuyển đổi việc làm với mức hỗ trợ mỗi thẻ bằng 1 tháng lương tối thiểu vùng.
Nhà giáo, các đánh giá viên KNNQG có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG được hỗ trợ cấp thẻ phát triển KNN 1 lần có giá trị bằng 3 tháng lương cơ sở.
Các chuyên gia có kỹ năng trình độ cao đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các DN hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia giảng dạy, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN cho người lao động được hỗ trợ với mức bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng.
Theo Dự thảo Đề án, tổ chức đánh giá KNN được vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đánh giá KNNQG không có sẵn trong thị trường lân cận nhằm đáp ứng điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG và tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG theo nhu cầu. Nhà nước đảm bảo đầu tư, phát triển đối với tổ chức đánh giá KNN trọng điểm cấp quốc gia và tổ chức đánh giá KNN trọng điểm cấp vùng.
Đối với các DN, người sử dụng lao động tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN tại DN, hỗ trợ người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG tại DN, chi phí tham gia được tính hợp lý để xác định thuế thu nhập DN. Đây là những chính sách thiết thực để nâng tầm kỹ năng lao động, nhất là kỹ năng của nhân lực chất lượng cao./.