Mâu thuẫn về cơ chế, chính sách khiến giải ngân chậm
Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch, đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân được 72.686 tỷ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Bộ Tài chính cho biết thêm, một số đơn vị có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân như: Ngân hàng Nhà nước (94,74%), Bộ Giao thông vận tải (trên 86%), Bộ Quốc phòng (trên 85%), Quảng Ngãi (98,94%), Long An (94,78%), Đồng Tháp (91,68%), Cà Mau (90,49%). Tuy nhiên, vẫn còn 63/115 Bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 12 tháng thấp hơn bình quân của cả nước. Đáng chú ý, nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp (12 Bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 20%, 2 địa phương dưới 40%).
Về nguyên nhân giải ngân còn chậm, theo Bộ Tài chính, đến nay một số cơ chế đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, có nhiều cơ chế đến nay vẫn đang rà soát để sửa đổi nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo về cơ chế, chính sách. Đơn cử như một số quy định pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất; quy định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác; quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn tại Điều 52, Điều 56 Luật Đầu tư công và trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước theo Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (Nghị định 40)…
Về tổ chức thực hiện, trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, chậm tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công. Bên cạnh đó, chậm điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án do nhiều Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn tâm lý giữ vốn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công
Đến hết ngày 31/01/2024 là hết hạn giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023, do đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng đường bộ…
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán theo quy định. Các Bộ, ngành, địa phương sớm có phương án đối với nguồn vốn không giải ngân hết theo thời gian quy định, chỉ đề xuất kéo dài đối với các dự án đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định 40 và thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục giải ngân, tránh trường hợp được phép kéo dài nhưng vẫn không giải ngân được, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước (nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 ước đến hết ngày 31/12/2023 còn khoảng 11.749 tỷ đồng chưa được giải ngân).
Để tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong triển khai kế hoạch đầu tư công, giảm thiểu thủ tục hành chính..., qua đó thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40. Dự kiến, Nghị định này sẽ được ban hành trong quý I/2024.
Tham gia ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40, Bộ Tài chính đề xuất một số nội dung, trong đó đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Về xử lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương hằng năm không giải ngân hết không được phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung điều kiện để thực hiện. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát giảm việc khởi công mới các dự án để ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chậm giải ngân vốn năm trước chuyển sang năm sau; chỉ được bố trí vốn trong phạm vi dự toán được giao năm sau. Đồng thời, dự toán ngân sách nhà nước năm sau không bố trí “cấp bù” số vốn chậm giải ngân, bị hủy bỏ của năm trước. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ cơ chế và thời điểm các Bộ, địa phương báo cáo số vốn bị hủy dự toán với cơ quan Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính do nguồn vốn này có phương thức giải ngân theo tài khoản đặc biệt, tại từng thời điểm sẽ có số dư tài khoản đặc biệt - cần quy định rõ số này có được coi là không giải ngân hết và bị hủy hay không.../.