Qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, hàng trăm nghìn tỉ đồng đã được huy động, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách - Ảnh: Internet |
Để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Công tác tín dụng chính sách xã hội phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng, huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ NSNN, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng cũng cần chủ động tham mưu cho các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với từng giai đoạn.../.
Qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, hàng trăm nghìn tỉ đồng đã được huy động, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. |
THÀNH ĐỨC