Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Đây là nội dung trong Thông báo số 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN).

7.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 DN với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng 23,3% so với giai đoạn 2011-2015; đã thoái vốn 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn; tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt trên 220.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011-2015. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn được quản lý tập trung, sử dụng hiệu quả, chuyển vào NSNN theo đúng Nghị quyết của Quốc hội… Bên cạnh các kết quả đạt được, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Để khắc phục những hạn chế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN - yêu cầu trong thời gian tới các Bộ, ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự nhất trí cao và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Tiếp tục triển khai có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý bảo đảm chặt chẽ, khả thi, đồng thời thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng kết đánh giá, xác định rõ mặt được, chưa được, nguyên nhân của công tác hỗ trợ và phát triển DN trong thời gian qua; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2022-2025 để DN tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN giai đoạn 2022-2025, với phương châm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm từng cá nhân và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (sửa đổi) để trình Quốc hội như quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022; tiếp tục rà soát Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Nghị định 67/2021/NĐ-CP… kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN (sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, 52/2016/NĐ-CP, 53/2016/NĐ-CP của Chính phủ) trong Quý IV/2022.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo đúng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp theo kết luận của Bộ Chính trị; rà soát, đôn đốc, báo cáo tình hình triển khai các phương án sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022.

Bộ Quốc phòng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2022-2025 đối với các DN thuộc phạm vi quản lý theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo tại cuộc họp ngày 18/10/2022.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN tập trung chỉ đạo, khẩn trương phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025 đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, hoàn thành trong Quý IV/2022.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Triển khai có kết quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN.

Khẩn trương triển khai Kế hoạch sắp xếp lại DN trực thuộc giai đoạn 2022-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, chậm thực hiện (nếu có).

Đồng thời, chỉ đạo các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc phê duyệt theo thẩm quyền Đề án/phương án cơ cấu lại DN giai đoạn 2022-2025, hoàn thành trong Quý IV năm 2022; khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà đất trên cơ sở đó tổng hợp, lập phương án báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; kịp thời có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN để bảo đảm tiến độ phê duyệt…/.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước