Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cà phê bền vững

(BKTO) - Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới và đang hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD vào năm 2030.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   
Ngày 3/12, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá năm 2019 để tìm ra giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2018, diện tích cà phê Việt Nam đạt 645.217 ha, năng suất 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn năm, trong đó cà phê vối chiếm 96%. Cả nước có 5 vùng sản xuất chính cà phê là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc. Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích 577.000 ha (chiếm 89%). Gần đây, Tây Nguyên nói riêng và các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp, tần suất ít, gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt cà phê.

Trước những khó khăn, bất cập mà ngành cà phê đang gặp phải, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc người nông dân sẽ bỏ cây cà phê để trồng các loại cây khác.Ông Lê Văn Đức -Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tại Việt Nam việc sản xuất, chế biến và thương mại cà phê vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn, thâm canh chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đang khiến giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa chưa cao. Gần đây cà phê rớt giá khiến người nông dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, do chưa có chiến lược toàn diện trong thúc đẩy xuất khẩu, nên cà phê Việt Nam chưa phát huy được các lợi thế riêng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này theo ông Đức "Để phát triển bền vững, ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các vùng nguyên liệu, các công ty trồng và sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng hạt cà phê từ nông trại đến người tiêu dùng; xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn để họ yên tâm trồng trọt…”.

Ông Gerardo Patacconi - Trưởng ban điều hành Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) cũng đưa ra một số tín hiệu lạc quan cho ngành cà phê trong thời gian tới. Theo đó, trong niên vụ 2019/2020, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo sẽ giảm do cường quốc sản xuất cà phê Brazil đang trong chu kỳ giảm của chu kỳ sản xuất cà phê 2 năm một lần. Nguyên nhân do thời gian qua giá liên tục giảm khiến cho người nông dân Brazil giảm đầu tư cho sản xuất cà phê. Trong khi đó, tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng lên khiến cho toàn cầu có khả năng sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê. Các yếu tố này có thể sẽ hỗ trợ cho giá cà phê trong niên vụ tới.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề xuất các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tái canh cà phê, hỗ trợ đầu tư tín dụng và cho vay chương trình tái canh cà phê cho người trồng trọt, liên kết chuỗi giá trị cà phê để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi giống, mùa vụ để sản xuất ra loại cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ….

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đề ra 8 mục tiêu tổng quát cần phấn đấu thực hiện để đạt được kết quả vào năm 2030. Các mục tiêu được đưa ra với mục đích thay đổi tương lai dân số, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính, nâng chiều cao bình quân và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.
  • Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp:  Còn nhiều thách thức
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo yêu cầu của Bộ Chính trị đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công ty này sau khi sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt và đồng đều; vẫn có nơi quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông, lâm trường còn phổ biến.
  • Việt Nam đang  trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo” hàng đầu Đông Nam Á
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Đây là nền tảng vững chắc để ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở nên vượt trội, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo - Innovation Hub” hàng đầu tại khu vực này.
  • Thiếu hụt điện năng từ thủy điện, tăng huy động điện chạy dầu
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dự báo nhu cầu sử dụng điện từ nay đến cuối năm 2019 tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, ngành điện đã và đang phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
  • Hơn 2.660 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ vẫn được đưa vào sử dụng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau bốn năm thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa (giai đoạn 2014-2018), những lỗ hổng và bất cập- đặc biệt là trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy tại các cao ốc trên cả nước vẫn là bài toán khó chưa được giải quyết triệt để.
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cà phê bền vững