Tính đến tháng 6/2019, đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc sắp xếp theo quy định. Ảnh: Vũ Hoàng
Nhiều địa phương gặp khó trong quá trình triển khai
Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 30) và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 6/2019, đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc sắp xếp theo quy định, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, đạt 62,5%. Hiện còn 27/256 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp này.
Sau khi chuyển đổi, sắp xếp, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty tăng rõ rệt nhờ thay đổi phương thức quản lý, quản trị DN. Điều này giúp các công ty này minh bạch, chủ động hơn về tài chính, bước đầu không dựa vào ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ở một số địa phương, việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đại diện UBND tỉnh Gia Lai thừa nhận một thực tế, trong thời gian dài, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng, thiếu quan tâm và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai kéo dài nên việc xử lý càng phức tạp và rất khó giải quyết thỏa đáng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, đến nay, sau khi rà soát, Thanh Hóa có hơn 1.200 ha đã được trả về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, do việc xác định mốc giới còn nhiều khó khăn nên hiện nay, tiến độ cắm mốc giới để triển khai cấp sổ đỏ mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch. Trong khi đó, việc xác định lịch sử, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất… tại các công ty nông, lâm nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng tự ý xây dựng nhà ở, các khu dân cư mọc lên trên đất nông, lâm trường, tình trạng chuyển nhượng qua nhiều đời đối với đất giao khoán của nông, lâm trường trước đây cũng diễn ra rất phổ biến… Điều này dẫn tới việc rà soát, xác định mốc giới, cấp sổ đỏ hết sức khó khăn. Hiện, Thanh Hóa cũng đang quyết liệt thực hiện việc rà soát lại tình hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, kiên quyết thu hồi đối với các công ty sử dụng đất kém hiệu quả…
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất
Trước những vướng mắc về đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân kiến nghị, Chính phủ cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý. Ngoài ra, tập trung nguồn lực để đến năm 2021 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có nông, lâm trường và các Bộ, ngành được giao quản lý nông, lâm trường tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá lại thực trạng, tình hình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường; có kế hoạch, thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, sử dụng đất đai; đo đạc, cắm mốc ranh giới lập hồ sơ địa chính theo chương trình của Chính phủ và thực tế phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát nhìn nhận, việc quan trọng nhất hiện nay là phải xác định được chủ sử dụng đất là ai. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện việc này với những giải pháp đột phá về đất đai, huy động nguồn lực để hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, nắm chắc từng mảnh đất, chủ sử dụng đích thực là ai thì mới biết họ sử dụng có đúng chủ trương, mục đích hay không; đúng thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, nếu có vi phạm, tranh chấp thì xử lý nghiêm.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 30, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về DN, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị DN, năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trường hợp tiếp tục tái cơ cấu thì có cơ chế giao quyền chủ động cho chủ sở hữu quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý, sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp khi trả về địa phương.
LÊ HÒA