Thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam
Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MOIT |
Để phát huy, tận dụng hiệu quả các cơ hội, lợi thế nêu trên, góp phần giữ vững và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cần phải được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng nông thủy sản đặc biệt coi trọng, quan tâm đó là nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thị trường thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc; tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng Nhân dân tệ giảm giá.
Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 3,83 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khi đứng trước các thay đổi của thị trường này như sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa, siết chặt chính sách nhập khẩu, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế… |
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường hàng hóa nông thủy sản được mở rộng, nhưng vấn đề đàm phán về kiểm dịch động thực vật đang là một bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng nông thủy sản cho nhau. Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để phát triển xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam một cách bền vững, theo Bộ Công Thương thời gian tới phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc
Trước bối cảnh và những vấn đề đang đặt ra, Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì đã thu hút sự tham dự của đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản nhằm mục tiêu rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương (phải) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giữa) trao đổi với các đại biểu. Ảnh: MOIT |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong hoạt động xuất khẩu nông sản cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Cùng với đó, cần thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.
Sau khi nghe các tham luận của đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý của các địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận cụ thể hơn về thực trạng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, cũng như tiếp tục chia sẻ, cung cấp thông tin về các yêu cầu thị trường, đánh giá những tiềm năng, triển vọng.
Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, vượt thách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cũng như tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu.
Tại đây, đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã phổ biến, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc; hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc (kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, nhãn mác...) tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.
PHÚC KHANG