Tín dụng chính sách hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo

(BKTO) - Hơn 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

dai-bieu.jpg
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. Ảnh:sbv.gov.vn

Ngày 16/8, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.

xuan-thang.jpg
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng: Tín dụng chính sách là "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: sbv.gov.vn

Tại Hội thảo, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết: Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới; thể hiện nổi bật tính ưu việt của chính sách, phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.

hong.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định để triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ. Ảnh:sbv.gov.vn

TS. Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH - cho biết thêm: Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), NHCSXH đã tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến hết ngày 31/7/2023, tổng nguồn vốn đạt 324.753, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 296.514 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (gấp 35 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 19%/năm.

Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao. Đến ngày 31/7/2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, chiếm 0,62%/tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn 532 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.

thao-luan.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh:sbv.gov.vn

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh).

 Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương của các địa phương sang NHCSXH đã đạt 34.881 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%/tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 31.074 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định để triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, Chỉ thị 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp xác định ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; từ đó quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là chủ động bố trí nguồn vốn ủy thác của các địa phương cho NHCSXH để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.

Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là cơ sở phục vụ cho công tác tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng./.

Cùng chuyên mục
  • Dòng vốn chảy chậm, nghịch lý “người dư thừa, kẻ túng thiếu”
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp và vòng quay tiền tệ trong nền kinh tế đang chậm lại cho thấy nguồn tiền cung ứng cho nền kinh tế rất thấp. Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng lại vẫn dồi dào và đây là một nghịch lý đến từ sự phân hóa của 2 nhóm đối tượng. Một nhóm doanh nghiệp cần vốn kinh doanh nhưng khó tiếp cận do thiếu nhiều điều kiện cơ bản, trong khi đó, một nhóm dân chúng không nhìn thấy rõ các cơ hội đầu tư nên vẫn để tiền nằm yên bất động.
  • Nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động ngân hàng
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ góp phần quản trị hoạt động của các ngân hàng và đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, tại một số tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả.
  • Để lãi suất cho vay tiếp đà giảm
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất huy động và đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
  • Giai đoạn cuối năm, những yếu tố nào chi phối tỷ giá?
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ giá nửa đầu năm đã có diễn biến khá êm đềm nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối giai đoạn cuối năm khả năng có những diễn biến mới khi nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp có thể tăng vào cuối năm, cùng một số yếu tố vĩ mô khác chi phối thị trường.
  • Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, vàng bớt áp lực từ các yếu tố vĩ mô quốc tế
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tuần qua ghi nhận xu hướng giảm sâu của lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục phải chờ đợi khoảng trễ. Ở góc độ quốc tế, các tín hiệu tích cực về số liệu vĩ mô của Mỹ khiến cho áp lực tăng lãi suất của FED cũng hạ nhiệt hơn và đây cũng là yếu tố giảm nhẹ bớt áp lực lên giá vàng.
Tín dụng chính sách hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo