Để lãi suất cho vay tiếp đà giảm

(BKTO) - Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất huy động và đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

lai-suat.jpg
Lãi suất cho vay tiếp đà giảm của lãi suất huy động

Các mức lãi suất lần lượt giảm

Kể từ đầu tuần này, đã có thêm 7 ngân hàng thương mại là Eximbank, Techcombank, MSB, Saigonbank, CBBank, VietA Bank, SHB ghi tên mình vào danh sách các nhà băng hạ lãi suất huy động, với mức điều chỉnh giảm 0,1-0,8 điểm % so với trước đó. Trong đó, ACB, Techcombank và VietBank đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 8 đến nay.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VnDirect, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm; lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động 6,3-7%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm.

Đây là điều kiện để các ngân hàng tiếp tục đưa ra thông báo giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 07/8. Chương trình được áp dụng đến hết 31/12 đối với khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường với thủ tục vay linh hoạt, thời gian duyệt hồ sơ nhanh chóng để cùng khách hàng bổ sung vốn để đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mua nhà đất - sửa chữa nhà, hoặc kích cầu tiêu dùng cá nhân những tháng cuối năm.

Các ngân hàng quốc doanh cũng không đứng ngoài đà giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất vay mới đối với người vay mua nhà ở mức 8,2% trong 12 tháng đầu hoặc 8,7% trong 18 tháng đầu. Mức lãi vay này đã giảm đáng kể so với lãi suất áp dụng trước đó.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết việc giảm lãi suất huy động đi cùng với giảm lãi suất cho vay nhận được sự hưởng ứng lớn từ thị trường, bởi không chỉ doanh nghiệp mà khách hàng của doanh nghiệp là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm kích thích tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh.

Đồng bộ chính sách để tăng sức hỗ trợ

Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm từ 1,5 - 2%, tùy từng khoản vay.

Để đưa ra các chính sách giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng vừa qua đã phải xoay xở nhiều bề. Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay. Theo đó, ngân hàng đã đa dạng kênh huy động, nỗ lực giảm lãi suất huy động bình quân, tiết kiệm các chi phí hoạt động... Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%...

Là người theo dõi sát diễn biến lãi suất trên thị trường, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng phân tích mặt bằng chung là lãi huy động và cho vay đều giảm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể khác biệt giữa các lĩnh vực và khẩu vị rủi ro của từng nhà băng. Chẳng hạn, có ngân hàng hạn chế cho vay các lĩnh vực đầu tư mới hoặc lĩnh vực bất động sản nên lãi vay cho các lĩnh vực này sẽ cao hơn hẳn, có ngân hàng ưu tiên cho vay nông nghiệp - nông thôn thì lãi vay sẽ rất ưu đãi…

Song ông Đinh Tuấn Minh cũng nhận định để có quyết định giảm lãi suất, ngân hàng phải cân nhắc mức giảm phù hợp, lĩnh vực ưu tiên giảm lãi suất và cân đối theo biến động của thị trường trong nước và quốc tế. Nếu cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp và xảy ra tình huống bị thiếu hụt nguồn vốn do người vay chưa kịp trả nợ thì ngân hàng lại phải vay bù đắp với lãi suất cao, bài toán cân đối kỳ hạn của ngân hàng sẽ rất khó khăn.

"Có điều kiện, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí… Hệ thống ngân hàng vẫn dư tiền và sẽ giảm thêm lãi suất, nhưng chính sách tín dụng không phải 'đôi đũa thần' để giải quyết mọi vấn đề", Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Để những giải pháp của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả, theo các chuyên gia, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ thị trường đầu ra cho doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cũng cho rằng các chính sách cần đồng bộ hơn nữa. Nghĩa là ngoài chính sách tiền tệ, tài khóa đã vào cuộc thì rõ ràng những chính sách khác cũng phải vào cuộc quyết liệt như đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…/.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Cùng chuyên mục
Để lãi suất cho vay tiếp đà giảm