Nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động ngân hàng

(BKTO) - Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ góp phần quản trị hoạt động của các ngân hàng và đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, tại một số tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả.

kiem-soat.jpg
Theo NHNN, việc thực hiện tốt công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD. Ảnh:sbv.gov.n

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD, ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN - cho biết: Ban kiểm soát đã thực hiện được các chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD.

Tuy nhiên, tại một số TCTD, hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của TCTD; tần suất kiểm toán nội bộ chưa nhiều…

Theo ông Tuấn Anh, trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, NHNN đã ban hành các công văn chỉ đạo, trong đó yêu cầu TCTD tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với một số hoạt động cụ thể của TCTD; yêu cầu Ban kiểm soát của một số TCTD căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá, có ý kiến với Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị đối với một số nội dung hoạt động cần lưu ý của TCTD; rà soát quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán nội bộ để đưa ra kiến nghị nhằm góp phần bảo đảm TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tín dụng là một lĩnh vực cần quản lý, phát hiện và ngăn chặn rủi ro theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ cần theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Nhà nước, cơ quan quản lý trong hoạt động của TCTD.

Ngoài ra, cần kiểm soát việc thực hiện đúng những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, nếu phát hiện có vấn đề thì Ban kiểm soát sẽ nghiên cứu, đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp.

Để đảm bảo an toàn tài sản, nâng cao chất lượng hoạt động TCTD nói chung và tuyệt đối an toàn kho quỹ nói riêng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lĩnh vực an toàn kho quỹ phải được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, đội ngũ Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD phải nhận thức đúng và hiểu rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc tập trung vào các lĩnh vực có khả năng tiềm ẩn rủi ro.

hong.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ban kiểm soát cần phát huy tối đa vai trò đối với công tác quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Ảnh:sbv.gov.vn

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ, góp phần phát huy tối đa vai trò của Ban kiểm soát trong công tác quản trị rủi ro, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành phải quan tâm đặc biệt tới nguồn lực kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin để Ban kiểm soát thực hiện chức trách của mình, đồng thời tạo điều kiện để Ban kiểm soát tham gia toàn bộ các cuộc họp liên quan đến điều hành, triển khai hoạt động của ngân hàng, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các TCTD.

Đối với Ban kiểm soát của các TCTD, cần triển khai nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của NHNN, lựa chọn, bố trí nhân sự đầy đủ, chất lượng để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đề nghị với Ban điều hành các biện pháp khắc phục, tập trung vào các rủi ro về thanh khoản, tín dụng, thị trường, tỷ giá, hoạt động thanh toán cả trong nước và quốc tế, những vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền…

Đối với chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Thống đốc đề nghị quá trình giám sát thanh tra phải có báo cáo chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn của TCTD, chi nhánh, phòng giao dịch… gửi về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để cơ quan này kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn…/.

Cùng chuyên mục
  • Để lãi suất cho vay tiếp đà giảm
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất huy động và đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
  • Giai đoạn cuối năm, những yếu tố nào chi phối tỷ giá?
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ giá nửa đầu năm đã có diễn biến khá êm đềm nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối giai đoạn cuối năm khả năng có những diễn biến mới khi nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp có thể tăng vào cuối năm, cùng một số yếu tố vĩ mô khác chi phối thị trường.
  • Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, vàng bớt áp lực từ các yếu tố vĩ mô quốc tế
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tuần qua ghi nhận xu hướng giảm sâu của lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục phải chờ đợi khoảng trễ. Ở góc độ quốc tế, các tín hiệu tích cực về số liệu vĩ mô của Mỹ khiến cho áp lực tăng lãi suất của FED cũng hạ nhiệt hơn và đây cũng là yếu tố giảm nhẹ bớt áp lực lên giá vàng.
  • Chung tay tháo gỡ khó khăn cho lâm sản, thủy sản
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngành ngân hàng đã và đang triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lâm sản, thủy sản vượt khó. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả gói tín dụng này, sự nỗ lực của các ngân hàng là chưa đủ…
  • Từ bức tranh ngân hàng đầu năm, nhận diện thách thức cuối năm
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Theo diễn biến kinh doanh của các ngân hàng nửa đầu năm 2023, ngân hàng phần nào cũng đã "lung lay" lợi nhuận trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh doanh suy giảm hoạt động. Tuy khó khăn đối với ngành Ngân hàng không quá nặng nề như bất động sản nhưng thách thức cho các ngân hàng nửa cuối năm cũng sẽ không nhỏ.
Nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động ngân hàng