Người dân tìm về đất Tổ trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương để chiêm bái, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Hướng về đất Tổ
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Từ bao đời nay, câu ca ấy đã in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam và như lời thúc giục, nhắc nhở lòng người dù ở bất cứ nơi đâu, đến ngày giỗ Tổ lại tìm về chốn thiêng. Năm nay, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do tỉnh Phú Thọ chủ trì, với sự tham gia của 3 tỉnh: Hưng Yên, Bình Thuận, Cà Mau và được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 12 đến 16/4(tức mùng 6 đến 10/3 âm lịch). Nhưng ngay từ cuối tuần qua, từng dòng người từ khắp các vùng miền đã tìm về đất Tổ.
Thông tin tại buổi họp báo Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016, Ban tổ chức cho biết, chương trình năm nay sẽ có nhiều hoạt động mới như: Triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa các hành vi chặt chém, chèo kéo khách, Ban tổ chức sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tích cực thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu vực diễn ra lễ hội, yêu cầu họ phải niêm yết giá công khai. Tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống camera tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các khu vực trọng điểm gần di tích; thành lập đội liên ngành giữ gìn trật tự trị an, quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và dịch vụ; công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của đồng bào, du khách...
Đặc biệt, từ sự chung tay đóng góp tích cực của cộng đồng, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều dự án cải tạo, mở rộng không gian di tích, đáp ứng nhu cầu hành lễ của người dân. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn phân bổ cho các dự án thuộc Khu di tích Đền Hùng khoảng trên 700 tỷ đồng, trong đó, số tiền của người dân đóng góp là trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng tuyến du lịch, gắn di sản với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh đất Tổ Hùng Vương với mong muốn để người dân có cơ hội chiêm bái và thưởng ngoạn vẻ đẹp, cảm nhận ý nghĩa của đất Tổ.
Tín ngưỡng đi vào cuộc sống
Không dừng lại ở những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc kỳ ảo, công lao xây dựng đất nước từ thuở “khai sơn, phá thạch” của các vua Hùng đã đi vào tâm thức của người dân và trở thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất đặc trưng. Qua mỗi mùa lễ hội, những tâm thức ấy được sống dậy và trào dâng trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Điều đáng nói, giá trị tinh thần ấy của dân tộc đã trở thành di sản chung của nhân loại đánh dấu bằng sự kiện năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 3 năm được vinh danh, các Bộ, ngành và tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng như: nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương; triển khai Chương trình quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; đưa di sản tín ngưỡng gắn với loại hình Hát xoan vào chương trình giảng dạy trong nhà trường... Thành quả sau 3 năm thực hiện công tác bảo tồn thì có nhiều, song điều đọng lại lớn nhất, GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam nhận định: Hàng triệu người dân đất Việt đang cùng dõi theo và thực hành tín ngưỡng. Khởi nguồn từ vùng đất Tổ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan toả trong cả nước, tạo nên một không gian văn hóa rộng khắp, kết thành ý thức “Nguồn cội” thiêng liêng.
Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, những giá trị của tín ngưỡng vốn có nguồn gốc thiêng liêng, đi ra từ truyền thuyết đã thấm vào suy nghĩ của người dân và chuyển hóa thành tín ngưỡng chung của mỗi gia đình, đó là tục thờ cúng tổ tiên và đi vào ý thức hệ của mỗi người.
Chưa bao giờ, một tín ngưỡng có tính chất lễ nghi như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại được dân gian hóa và đi vào đời sống tâm thức người dân mãnh liệt đến vậy. Cũng không ở đâu, một lễ hội lại vượt ra khỏi tính chất thông thường như Lễ hội Đền Hùng, nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần, sức mạnh tâm linh, nơi hội tụ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tìm về đất Tổ những ngày này, chính là để mỗi người dân đất Việt hiểu hơn về ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng.
NGUYỄN LỘC