Chưa khi nào, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại tìm được tiếng nói chung của xã hội như lúc này. Ảnh: TK
Có thể thấy, chưa bao giờ vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm lại khiến người dân hoang mang, lo lắng như hiện nay. Và cũng chưa khi nào, ở đâu, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại tìm được tiếng nói chung của đông đảo các tầng lớp xã hội như lúc này. Không giật mình sao được khi mỗi năm trên cả nước, trong số hàng trăm nghìn ca mắc ung thư thì có tới 35% là do sử dụng thực phẩm bẩn - chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các tác nhân đưa đến căn bệnh tử thần này. Bởi thế, những ngày này, trên khắp các phương tiện thông tin, truyền thông, một trong những vấn đề nóng được quan tâm nhất chính là làm sao để loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống?
Chống thực phẩm bẩn - xã hội trước hết thấy được quyết tâm từ chính những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương với những biện pháp thiết thực. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đưa ra 5 biện pháp chống thực phẩm bẩn, kèm theo đó là những phát ngôn, hành động cứng rắn không thỏa hiệp với các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kêu gọi người dân “nói không với thực phẩm bẩn”. Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Y tế đều cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”...
Ngay với bản thân Bộ trưởng Cao Đức Phát, với tư cách là người đứng đầu ngành Nông nghiệp thời gian qua cũng đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay sau khi có lời xin lỗi người dân, Bộ trưởng đã hứa: “Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thức bảo vệ thực phẩm qua biên giới”. Tin vào lời hứa của ông, nhưng cuộc chiến sẽ không thể mang lại kết quả cao nhất, thậm chí không muốn nói là thất bại, nếu những người trong cuộc - người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn thờ ơ đứng ngoài. Loại trừ căn bệnh nan y mang tên “thực phẩm bẩn”, trước hết cần phải làm thay đổi thói quen, hành vi của người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm.
Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan chức năng. Không dừng lại ở mức độ tuyên truyền, khẩu hiệu, người dân cần ở cơ quan quản lý sự quan tâm, lắng nghe và hành động quyết liệt, không thỏa hiệp với thực phẩm bẩn. Từ việc giúp người dân nhận biết thực phẩm bẩn, loại trừ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn cho đến việc khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn... chính là những biện pháp hữu hiệu nhất mà các cơ quan chức năng có thể thực hiện để giúp loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống hằng ngày.
NGUYỄN VŨ