Tỉnh Khánh Hòa được áp dụng cơ chế đặc thù từ 01/8/2022

(BKTO) –Tại phiên họp sáng 16/6, với 95,78% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.



                
   

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: quochoi.vn

   

Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về: quản lý tài chính, NSNN; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, về quản lý tài chính, NSNN, Nghị quyết quy định, hằng năm, ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ. HĐND Tỉnh quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý đất đai, theo Nghị quyết, HĐND Tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND Tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định HĐND Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể...

Đối với chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Nghị quyết quy định Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong như: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics,…

Về phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Nghị quyết quy định, UBND Tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý; miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 03 hải lý đến 06 hải lý.

Trong khả năng cân đối ngân sách địa phương, HĐND Tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển,..

Nghị quyết cũng cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho Tỉnh trực tiếp quản lý. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2022 và được thực hiện trong 05 năm./.

ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
  • Từ đầu năm 2023, dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng 16/6, với 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
  • Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hai dự án vành đai
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 16/6, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết về về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
  • Bảo đảm tính khả thi của các cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Sáng 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật về dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đặc biệt là việc hình thành cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
  • Tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Chiều 15/6, với 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó, Luật tiếp tục quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
  • Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Tại phiên họp chiều 15/6, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), với 85,14% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Tỉnh Khánh Hòa được áp dụng cơ chế đặc thù từ 01/8/2022