Tỉnh miền núi gặp khó trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, song theo BHXH tỉnh Đắk Nông, do đời sống, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả phát triển đối tượng chưa đạt được như mong muốn.

20220511080632-15-bao-hiem.jpg
Chú trọng công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện đến từng đối tượng lao động. Ảnh sưu tầm: Tạp chí BHXH

Số người tham gia giảm sâu

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt được một số kết quả tích cực.

Thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, bà Võ Thị Ái Liễu - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, về các chỉ tiêu cơ bản, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 552.442 người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đạt 92,02% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 802 tỷ đồng, đạt 68,69% kế hoạch. Công tác giải quyết và chi trả các chế độ cơ bản kịp thời, đúng quy định, ngày càng thuận tiện hơn cho người tham gia. Đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết cho 9.585 lượt người hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tăng 47,34% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ chính sách BHXH trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện giảm sâu là thách thức lớn trong việc thực hiện chỉ tiêu được giao năm 2022 của BHXH tỉnh. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông mới có 10.784 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm hơn 5.200 người so với năm 2021.

Nguyên nhân số người tham gia BHXH tự nguyện giảm một phần do thu nhập của người dân trên địa bàn thấp, lại chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh; bên cạnh đó, mức đóng BHXH tối thiểu tăng gấp đôi theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn từ tháng 01/2022 khiến nhiều người không tiếp tục tham gia. Ngoài ra, công tác tổ chức hội nghị khách hàng được đánh giá  chưa mang lại hiệu quả; tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH, trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng kéo dài còn xảy ra; một số doanh nghiệp nợ lớn, nợ gối đầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động…

Ngày 28/10, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 628/KH-UBND tuyên truyền về BHXH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu nhằm đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách về BHXH nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương. 

Cần tiếp tục đổi mới trong tiếp cận, thu hút đối tượng tham gia

Từng là điểm sáng nhiều năm liền trong tỉnh về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, song cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Đắk Song đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia. Theo lãnh đạo BHXH huyện, một trong những nguyên nhân quan trọng là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến đời sống của người dân thêm khó khăn, nên không có điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện.

Trong thời gian còn lại của năm, BHXH huyện sẽ tiếp tục tăng tốc thực hiện các giải pháp để thu hút đối tượng tham gia. Trong đó, BHXH huyện sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, truyền thông trên hệ thống loa phát thanh, chia đối tượng thành các nhóm đối tượng nhỏ như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ kinh doanh nhỏ, người lao động tự do… để có cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp. “Thực tế hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ tính ưu việt của BHXH tự nguyện. Người lao động nên tham gia ngay từ khi còn trẻ, còn khả năng lao động để về già có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế để không phải lo khi gặp rủi ro” - lãnh đạo BHXH huyện cho biết.

Đẩy mạnh công tác truyền thông cũng chính là hướng tiếp cận đúng đắn đang được BHXH tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện. Theo đó, giải pháp được BHXH tỉnh đưa ra là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, linh hoạt, sáng tạo, tập trung vào các hội nghị nhóm nhỏ, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Đây cũng là tinh thần được lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông quán triệt thực hiện trong công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Công tác tuyên truyền về BHXH phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, thống nhất và đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành; đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với đặc thù từng nhóm dân cư và người lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, ngành BHXH tỉnh cần cập nhật, làm giàu kho dữ liệu của địa phương về các đối tượng tiềm năng. Ngoài ra, tỷ lệ nợ của tỉnh đang ở mức cao, ngành BHXH tỉnh cần tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH; tăng cường công tác quản lý tài chính; cải cách phương thức, thủ tục thanh toán, chi trả, quản lý chi trả các chế độ BHXH đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng quy định của Nhà nước cho người thụ hưởng… từ đó tạo niềm tin của người dân vào công tác quản lý, thực hiện chính sách, thôi thúc người dân tự nguyện tham gia.

Cùng chuyên mục
Tỉnh miền núi gặp khó trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện