Rút BHXH một lần, nữ lao động tiếc nuối, khuyên không nên “theo lợi trước mắt, bỏ lợi lâu dài”

Những ngày gần đây, tình trạng người lao động làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng. Việc nhận BHXH một lần tưởng rằng lợi trước mắt nhưng lại để hại lâu dài...

dsc_0107(1).jpg
Chị Hiên buộc phải rút BHXH một lần do gặp hoàn cảnh khó khăn, song luôn chờ cơ hội để tham gia trở lại. Ảnh: N.LỘC

Chị Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1985, trú tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nằm trong số trường hợp buộc phải rút BHXH một lần do gặp phải hoàn cảnh khó khăn.

Song dù với với lý do bất khả kháng, chị vẫn chờ cơ hội tham gia BHXH trở lại; đồng thời nhắn nhủ người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và nhờ sự trợ giúp, tư vấn của cơ quan BHXH trước khi đưa ra quyết định rút BHXH một lần, tránh sau này phải hối tiếc.

Từng có hơn chục năm tham gia BHXH, cơ hội rất tốt để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, tại sao chị lại đi đến quyết định hưởng BHXH một lần?

Tôi làm việc tại môi trường doanh nghiệp từ khi mới 17 tuổi, được chủ doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ. Cho đến năm 2015, tôi phải đưa ra quyết định khó khăn, đó là rút BHXH một lần. Trước đó ít lâu, chồng tôi không may mắc bệnh, kinh tế gia đình không khá giả, nên chi phí khám, chữa bệnh và tiền thuốc đã ngốn sạch số tiền hai vợ chồng dành dụm. Bản thân tôi khi đó mới sinh cháu thứ hai, các cháu đều còn rất nhỏ nên gia đình lâm cảnh túng quẫn quay quắt. Nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì công việc tại nhà máy và vẫn tham gia BHXH theo quy định.

Hoàn cảnh trớ trêu, sau thời gian dài chạy chữa, chồng tôi qua đời vì bạo bệnh. Những khoản nợ khổng lồ cần phải thanh toán, trong khi đồng lương công nhân ít ỏi không đủ để chi trả khiến tôi phải nghỉ công việc tại nhà máy để tìm công việc mới có thu nhập tốt hơn và có thêm thời gian chăm con nhỏ. Sau nhiều lần đổi việc mà không mang lại kết quả như mong đợi, tôi buộc phải làm thủ tục nhận BHXH một lần để có nguồn chi trả nợ và xoay sở cuộc sống.

Chị có biết những thiệt thòi rất lớn, khi rút BHXH một lần?

Thời điểm đó, tôi cũng không thể suy nghĩ được nhiều, dù biết rằng, khi rút BHXH một lần, mình “mất” nhiều hơn “được”. Khi có ý định rút BHXH một lần, tôi cũng có hỏi và được công đoàn công ty - nơi làm việc trước đây, cũng như bộ phận tư vấn của cơ quan BHXH tỉnh Hưng Yên tư vấn, giải thích.

Theo đó, nếu rút BHXH một lần, thiệt thòi trước tiên là về mức thụ hưởng. Số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Tôi cũng sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. Ngoài ra, còn nhiều thiệt thòi khác như, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời... Đó là thời điểm 8 năm về trước. Hiện nay, theo tôi được biết, quyền lợi mà người tham gia BHXH được hưởng còn nhiều hơn, cao hơn so với trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc rút BHXH một lần, người lao động càng thêm thiệt thòi.

Nếu được lựa chọn, trong tương lai chị có tham gia BHXH trở lại? Chị có lời khuyên gì đối với người lao động có ý định rút BHXH một lần không?

Tất nhiên rồi. Trước mắt, tôi sẽ tập trung làm việc để có thêm tích lũy, chăm lo cho hai con còn nhỏ và tiếp tục chi trả các khoản nợ còn lại. Trong tương lai không xa, khi cuộc sống cân bằng, ổn định hơn, chắc chắn tôi sẽ tham gia BHXH trở lại.

truyenthong-16521701505451017363698.jpg
Người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi rút BHXH một lần và tham khảo tư vấn của nhân viên BHXH. Ảnh sưu tầm

Đối với những ai có ý định rút BHXH một lần cần phải suy nghĩ kỹ, trừ trường hợp thực sự khó khăn. Nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân”, thì chính sách BHXH đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tham gia sẽ giúp cho chính sách BHXH càng trở nên bền vững, từ đó mang lại lợi ích cho chính những người tham gia.

Người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước đi quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... dẫn đến rủi ro cho bản thân trong tương lai. Qua theo dõi tôi được biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở lại đây.

Tóm lại, nhận BHXH một lần là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. Bởi lẽ, ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Xin cảm ơn chị và chúc chị sớm ổn định cuộc sống để tham gia BHXH trở lại!

Giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người xin giải quyết rút BHXH một lần, chưa tính số lao động thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Năm 2022, khoảng 895.500 người rút, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân của tình trạng này là do người lao động thấy chính sách hưởng BHXH một lần được tạo thuận lợi. Ngoài ra, do tác động tiêu cực của dịch bệnh hơn 2 năm qua khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp chỉ trông chờ vào rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

- BHXH Việt Nam - 

Cùng chuyên mục
Rút BHXH một lần, nữ lao động tiếc nuối, khuyên không nên “theo lợi trước mắt, bỏ lợi lâu dài”