Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thống nhất, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền xuống cơ sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các hoạt động cơ bản đang được chủ động triển khai, kiểm đếm thường xuyên, bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết.
Đến nay, một số chỉ tiêu về số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sáng chế; sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế; tỷ lệ sáng chế được khai thác, thương mại… đã đạt hoặc vượt so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Hạ tầng khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được củng cố với 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS.
Tỉnh Quảng Ninh đã khai thác và phát triển thương hiệu cho 74 sản phẩm là đặc sản, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường. 100% dự án đầu tư được thẩm định hoặc tham gia ý kiến về công nghệ, kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia được triển khai áp dụng vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh. Hợp tác trong lĩnh vực KHCN tiếp tục được mở rộng, đổi mới hình thức theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ từ các nước phát triển.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh bố trí gần 285 tỷ đồng cho sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã huy động nguồn lực khác để đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP Viglacera, Công ty CP Dược - vật tư y tế Quảng Ninh... đã chủ động trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển KHCN với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Ngày 15/7, tại Hội nghị giao ban công tác cho ý kiến về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nhận định, sau 1 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 13 đã tạo sự chuyển biến căn bản, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần rà soát lại các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, nhằm tiếp tục tạo chuyển biến trong lĩnh vực KHCN. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn nhân lực KHCN, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao từ cả trong nước và nước ngoài; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; gắn việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN với công tác đào tạo cán bộ.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao đổi mới KHCN vào các lĩnh vực trọng tâm như: Công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch - dịch vụ, kinh tế biển, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh trật tự và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; gắn chặt việc nghiên cứu cơ bản về KHCN với thực tiễn địa phương, ứng dụng hiệu quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút đa dạng các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là khối tư nhân, doanh nghiệp FDI trong đầu tư phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo…/.
Nghị quyết số 13-NQ/TU đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại…