Tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN- Thực trạng và giải pháp

(BKTO) - Đó là chủ đề của Tọa đàm khoa học do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại diện KTNN chuyên ngành, khu vực và các đơn vị tham mưu của KTNN đã tham dự.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Tọa đàm-Ảnh: THANH TÙNG.

   
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định: Kiểm toán chuyên đề của KTNN là hoạt động kiểm toán chuyên sâu một lĩnh vực có sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công. Lĩnh vực được lựa chọn để kiểm toán thường là những vấn đề kinh tế- xã hội (KT- XH) đang được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội quan tâm. Kiểm toán chuyên đề không phải là một loại hình kiểm toán, mà chủ yếu phản ánh cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán đối với một chủ đề kiểm toán cụ thể.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, đến nay KTNN đã thực hiện hàng chục cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó nhiều cuộc có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, sử dụng nhiều nguồn lực của nhà nước, có tác động lớn đến tình hình KT- XH của đất nước, như: Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; Việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; Chuyên đề quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản; Chuyên đề quản lý, sử dụng vốn ODA; Mua sắm trang thiết bị y tế; Đánh giá hiệu quả chính sách đầu tư tại các khu kinh tế... với nhiều phương thức tổ chức kiểm toán khác nhau. Kết quả các cuộc kiểm toán này đã phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển KT- XH của Chính phủ, việc giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin kiểm toán, công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề vẫn cần được cải tiến để hiệu quả đạt được cao hơn. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị đại diện các đơn vị tập trung thảo luận một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, cơ sở lý luận về tổ chức kiểm toán chuyên đề. Theo đó, Tọa đàm cần chỉ rõ những cơ sở lý luận trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, phương thức tổ chức cuộc kiểm toán, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán chuyên đề...

Thứ hai, thực trạng công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN thời gian qua. Những kết quả đạt được trong việc tổ chức kiểm toán chuyên đề cần tiếp tục phát huy, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai kiểm toán chuyên đề, như: lựa chọn chủ đề kiểm toán, xây dựng đề cương, tổ chức thực hiện, lập báo cáo, sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan...

Thứ ba, đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ những bất cập hiện tại, góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề.
                
   

Quang cảnh Tọa đàm-Ảnh: THANH TÙNG.

   
Tại Toạ đàm, TS. Lê Hoài Nam- Vụ Tổng hợp đã phát biểu tham luận về thực trạng, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN. TS. Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III đã trao đổi về những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập như: khái niệm về kiểm toán chuyên đề, những vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán và định hướng tổ chức thực hiện kiểm toán chuyên đề trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Hiệu- Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV đã nêu thực trạng công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN khu vực IV và đề xuất một số giải pháp để tổ chức kiểm toán chuyên đề…
                
   

Các đại biểu tham luận tại Tại đàm-Ảnh: THANH TÙNG.

   
21 bài viết đăng trong kỷ yếu và 6 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm đã đề cập tương đối toàn diện từ giác độ lý luận cũng như thực tiễn của vấn đề. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết phải tổ chức và tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề. Trong đó, có nhiều giải pháp nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu và có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề, như:

Xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch hằng năm về kiểm toán chuyên đề, trong đó cốt lõi là xác định các lĩnh vực được kiểm toán có tính thời sự được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội quan tâm; phù hợp với yêu cầu phải tăng cường quản lý để đạt hiệu quả cao hơn. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức kiểm toán chuyên đề cho phù hợp với chủ đề, đặc điểm của lĩnh vực kiểm toán và khách thể kiểm toán. Xây dựng quy trình hoặc hướng dẫn kiểm toán phù hợp với đặc thù của việc kiểm toán chuyên đề. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán chuyên đề như xây dựng đề cương kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Đổi mới phương pháp kiểm toán theo hướng chú trọng phương pháp tiếp cận theo vấn đề. Đồng thời, tăng cường việc tổng kết, trao đổi kinh nghiệm sau khi kết thúc kiểm toán các chuyên đề lớn để cải tiến và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề sau...

Nội dung các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN và gửi các đơn vị trong toàn Ngành để chia sẻ kinh nghiệm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng việc tổ chức kiểm toán chuyên đề.

Kết quả của Tọa đàm cũng sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu và vận dụng vào trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện kiểm toán cũng như biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN- Thực trạng và giải pháp