Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: NGỌC BÍCH
TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam; PGS,TS. Đinh Trọng Hanh – nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu, các KTNN chuyên ngành và khu vực trực thuộc KTNN.
Khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Đình Thăng cho biết, việc rà soát, sửa đổi Luật KTNN năm 2015 nằm trong Chương trình công tác năm 2018 của KTNN nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 6, khóa XII. Việc rà soát, sửa đổi Luật góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của KTNN, đặc biệt là khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc từ thực tiễn triển khai hoạt động kiểm toán, nhằm tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán ngày càng tốt hơn.
Tại Tọa đàm, các ý kiến nhất trí cho rằng, Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, với nhiều điểm được bổ sung, sửa đổi so với Luật KTNN năm 2005 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật nhà nước nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân sách nói riêng. Luật đã kịp thời cụ thể những quy định về địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật KTNN năm 2005.
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật cho thấy, một số quy định đã bộc lộ những bất cập đòi hỏi phải được tiếp tục xem xét, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu lực hoạt động của KTNN.
Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở bám sát những vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã có những ý kiến tham luận, đề xuất nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tập trung vào các vấn đề về: phạm vi, đối tượng kiểm toán;
chức năng, nhiệm vụ của KTNN; xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động KTNN; tính độc lập của KTNN; thời hạn kiểm toán…
Theo đa số các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần tập trung làm rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN, đặc biệt là chức năng đánh giá và xác nhận. Đây là hai chức năng quan trọng của KTNN, đồng thời là cơ sở để phân biệt rõ chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác.
Về nhiệm vụ của KTNN, một số ý kiến đề xuất, Luật cần sửa đổi, có những quy định cụ thể hơn về quy trình tham gia ý kiến của KTNN trong xây dựng dự toán NSNN, quyết định các dự án quan trọng quốc gia… nhằm đảm bảo sự tham gia của KTNN một cách hiệu quả, thực chất hơn.
Liên quan đến quy định về xử lý vi phạm pháp luật về KTNN, các ý kiến đề nghị, cần cụ thể hóa, chi tiết hóa các hành vi vi phạm ngay trong Luật để có chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu lực thực hiện.
Về thời hạn kiểm toán, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, đa số các ý kiến cho rằng, quy định về thời hạn của cuộc kiểm toán (60 ngày) và thời hạn phát hành Báo cáo kiểm toán (45 ngày) theo Luật KTNN năm 2015 là không phù hợp và khó thực hiện. Do vậy, quy định này cần được xem xét, điều chỉnh khi sửa đổi Luật. PGS,TS. Đinh Trọng Hanh cho rằng: Thời hạn kiểm toán chịu sự quyết định bởi mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi, phương thức tổ chức kiểm toán… Do vậy, cần quy định thời hạn kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước (hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền) quyết định, để đảm bảo tính chủ động và hiệu lực của hoạt động kiểm toán.
Kết thúc Tọa đàm, TS. Lê Đình Thăng nhấn mạnh, các ý kiến chia sẻ tại Tọa đàm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm gợi mở, định hướng cho việc sơ kết 2 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015 trong toàn Ngành; từ đó, thống nhất những kiến nghị, đề xuất, mong muốn để tiến hành sửa đổi Luật. Các ý kiến tại Tọa đàm sẽ được đơn vị chủ trì tổng hợp trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét.
N.HỒNG
Theo Báo Kểm toán số ra ngày 15/3/2018
Theo Báo Kểm toán số ra ngày 15/3/2018