Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong bài viết với tiêu đề “Tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ủyviên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN |
Trong bài viết quan trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu, khát vọng độc lập dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khát vọng đó của Người đã trở thành “Khát vọng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Di sản tư tưởng của Người tiếp tục soi đường, chỉ lối cho sự nghiệp đổi mới hôm nay; thắp sáng niềm tin về tiền đồ tương lai tươi sáng của dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để làm nên một kỳ tích Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Cơ đồ, uy tín, vị thế, tiềm lực đất nước được tạo dựng trong thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có thành tựu 35 năm đổi mới, đã và đang tạo nền tảng vững chắc cho chúng ta vững tin tiến lên phía trước. Đích đến trở thành nước phát triển vẫn là hành trình dài phía trước, cần đến cả khát vọng vươn lên và bản lĩnh, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đòi hỏi chúng phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ; khơi dậy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tận trung với nước, tận hiếu với dân, dành tình yêu thương vô hạn và niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nhân dân.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là chăm lo cho con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xác định có vai trò rất quan trọng, bảo đảm thể chế hóa ý chí của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiểm soát quyền lực Nhà nước, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ tha hóa.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm chăm lo cho mọi tầng lớp nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển, thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội; bảo đảm quyền phát triển công bằng cho mọi thành viên xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, triết lý phát triển mang giá trị vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng cho phát triển bền vững, bao trùm, hài hòa.
Trong thời gian qua, những Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Nâng bước cho trẻ đến trường” hay sáng kiến “Trồng 1 tỷ cây xanh” trong 5 năm tới… được rọi sáng từ triết lý phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nền kinh tế thị trường có vai trò phân bổ nguồn lực hiệu quả, nhưng tính tự phát của nó cũng gây nhiều hệ lụy cho phát triển, nhất là tình trạng chạy theo lợi nhuận mà hy sinh các lợi ích công cộng, gây nên phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tiêu cực…
Trong điều kiện đó, chúng ta phải triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững, dựa trên các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển bao trùm, khi gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng, phong cách cao đẹp, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm.
Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng của Người, Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và đề ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cả về tuyên truyền, giáo dục và thực hành đạo đức cách mạng trong công tác và trong đời sống hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.
Bằng cách đó, tư tưởng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” của Người ngày càng thấm sâu vào toàn bộ tổ chức và hoạt động của Đảng và cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, tăng cường gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Với những điều đã đề cập ở trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện mới phải được mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản đã mang lại khí thế mới, quyết tâm mới, động lực mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Các nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, yêu thương đồng bào, đồng chí; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân… đã được thấm nhuần, học tập và thực hành sâu rộng.
Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được 5 năm qua, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo động lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta một di sản tư tưởng quý báu, một tấm gương đạo đức, phong cách cao đẹp và một thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả 3 nội dung: học Bác, làm theo Bác và nêu gương. Nghiêm túc học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên tự trang bị cho mình một phương thức tu dưỡng, rèn luyện thiết thực, hiệu quả để làm tròn vai trò, chức trách được giao, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân./.
THIỆN TRẦN