Tổng công ty Xây dựng Thăng Long năm 2012: Kỳ II Cần phương án khả thi để thực hiện tái cơ cấu

(BKTO) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cùng với những khó khăn nội tại của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (Tổng công ty), kết quả kiểm toán cho thấy, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu DNNN của Tổng công ty rất khó khăn. KTNN đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng công ty rà soát lại Đề án tái cơ cấu DN đã được duyệt để điều chỉnh, bổ sung một số nội dung không phù hợp, không khả thi trong Đề án.




Việc thực hiện cổ phần hóa, tăng vốn đầu tư của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long không đảm bảo tiến độ theo Đề án đã được duyệt. Ảnh: TS
Nỗ lực để tái cơ cấu…

Theo Báo cáo kiểm toán, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN của Chính phủ, Tổng công ty đã rất khẩn trương lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty và đã được Bộ GTVT tổ chức thẩm định và phê duyệt tại Quyết định số 1420/QĐ-BGTVT ngày 19/6/2012. Theo đó, Tổng Công ty sẽ tập trung tái cơ cấu toàn diện về: ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm; dự án đầu tư; tài chính; mô hình tổ chức; nguồn nhân lực; nâng cao năng lực về công nghệ và quản trị DN.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, Đề án tái cơ cấu (Đề án) của Tổng công ty đã được Tổng công ty và các đơn vị, tổ chức có liên quan tìm nhiều biện pháp để thực hiện. Trong tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, đơn vị đã quán triệt phương châm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tham gia đấu thầu có trọng tâm trọng điểm, thuộc lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng cầu đường, các dự án cầu lớn, dự án phát triển giao thông đô thị hiện đại như: Dự án hầm, tàu điện trên cao, đường cao tốc, để có điều kiện thu hồi vốn nhanh, tiếp cận công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại.

Trong năm 2012, Tổng công ty đã tham gia liên danh với các đối tác để đấu thầu và trúng thầu một số dự án lớn như Dự án nâng cao năng lực, an toàn một số cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với giá trị hợp đồng 1.355 tỷ đồng; dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá 1.416 tỷ đồng…

Thực hiện tái cơ cấu các dự án đầu tư, Tổng công ty đã kiểm tra, đánh giá và phân loại hệ thống máy móc, thiết bị hiện có để xây dựng kế hoạch đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Đối với tài sản cố định là máy móc thiết bị không cần dùng được xem xét, thanh lý, nhượng bán tương đối kịp thời để thu hồi vốn đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dây chuyền, công nghệ thi công truyền thống và là thế mạnh của Tổng công ty. Trong tái cơ cấu về tài chính, Tổng công ty đã có nhiều biện pháp để xử lý, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của đơn vị, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận. Đặc biệt, Tổng công ty đã hoàn thành thủ tục và được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 158,7 tỷ đồng lên 357,2 tỷ đồng.

…nhưng khó khả thi

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Tổng công ty, song KTNN cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, với thực trạng và năng lực tại thời điểm đó, Tổng công ty và các đơn vị rất khó để thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ đề ra trong thực hiện Đề án, kể cả việc thực hiện chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu. Năm 2012, doanh thu sau kiểm toán của Tổng công ty là 1.265 tỷ đồng, chỉ đạt 51% theo giá trị Đề án là 2.435 tỷ đồng.

Trong tái cơ cấu các dự án đầu tư, Công ty mẹ chưa kịp thời thực hiện thanh lý, nhượng bán bộ thiết bị khoan BR1500 với giá trị đầu tư trên 10,7 tỷ đồng, đã bị hỏng hóc từ lâu, đã hết khấu hao và không sử dụng được. Cùng với đó, kế hoạch đầu tư các dự án dây chuyền, thiết bị thi công đã xây dựng trong Đề án cũng không khả thi do kinh tế khó khăn và giá trị đầu tư lớn. Tính đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2013), các dự án đầu tư dây chuyền, công nghệ máy móc thiết bị và văn phòng làm việc theo kế hoạch đầu tư trong Đề án giai đoạn 2012-2015 có tổng giá trị đầu tư 661,7 tỷ đồng mới chỉ bắt đầu ở giai đoạn nghiên cứu, xem xét do chưa có phương án bố trí vốn.

Đặc biệt, trong thực hiện tái cơ cấu về mô hình, tổ chức, kết quả kiểm toán cho thấy, việc thoái vốn tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị dự kiến thoái vốn không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, khó thu hút, tìm kiếm nhà đầu tư mua lại cổ phần.

Cụ thể như tại Công ty CP Xây dựng số 2 Thăng Long, mục tiêu đặt ra là đến năm 2013, Công ty sẽ hoàn thành thoái toàn bộ 1.545 triệu đồng vốn đầu tư của Tổng công ty (tương đương với 36% vốn điều lệ) song đến thời điểm kiểm toán kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được do tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị nhận vốn góp không tốt, khó tìm đối tác mua cổ phần. Đây cũng là tình trạng tương tự tại Công ty CP Cầu 5 Thăng Long với 6.870 triệu đồng (tương đương 14% vốn điều lệ) vốn đầu tư của Tổng công chưa được thoái vốn. Từ thực tế trên, KTNN cho rằng, phương án thoái vốn tại thời điểm đó khó có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cổ phần hóa, tăng vốn đầu tư của Tổng công ty vào một số đơn vị, đến thời điểm kiểm toán hầu hết đều không đảm bảo tiến độ theo Đề án đã được duyệt. Điển hình như chủ trương đầu tư thêm vốn tại Công ty CP Cầu 7 Thăng Long để Tổng công ty nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2013, nhưng cho đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa triển khai bởi phương án đưa ra không hiệu quả do kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị này rất khó khăn.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Tổng công ty Xây dựng Thăng Long năm 2012: Kỳ II Cần phương án khả thi để thực hiện tái cơ cấu