Với mục tiêu chung là tăng cường công tác sàng lọc các bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người dân, “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và chương trình Careme 2024” đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, qua dó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và uy tín của tổ chức Hội đối với thanh niên và xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại sự kiện, Ths.Ds. Nguyễn Hữu Tú – Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, hành trình đã thu hút hơn 21.000 thầy thuốc trẻ tại các bệnh viện từ Trung ương đến cấp địa phương tham gia khám chữa bệnh cả trực tiếp và trực tuyến. Số lượng người dân được khám bệnh trực tiếp là hơn 1,13 triệu lượt người (gấp 11 lần chỉ tiêu đề ra). Số lượng người dân được khám sàng lọc qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1 triệu người. Có hơn 2,6 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Gần 3 nghìn người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí.
Ths.Ds. Nguyễn Hữu Tú cũng cho biết thêm, trong khuôn khổ hành trình đã diễn ra nhiều hoạt động cấp trung ương. Chương trình Careme – Khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa, đã có hơn 7,6 nghìn người dân được khám trực tiếp tại các cơ sở y tế và tại một số chương trình cộng đồng.
Chương trình “chuyển đổi số vì sức khỏe phổi” cấp Trung ương đã tiến hành khám bệnh trực tiếp cho hơn 10.500 người dân; Chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” đã khám, trao quà, hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hơn 15.000 người dân và 15.000 thiếu nhi; Chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” khám, sàng lọc bệnh không lây nhiễm và bệnh về đường tiêu hóa, sàng lọc vi khuẩn H.Pylori dạ dày cho hơn 2.000 người dân.
Cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả bão Yagi, đã hỗ trợ 11 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi với túi thuốc cơ bản, vật tư, trang thiết bị y tế và quà tặng; khám bệnh tình nguyện cho hơn 14.000 người dân.
Bên cạnh đó, là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: Tổ chức hoạt động tặng quà, tặng thuốc bổ, bữa cơm miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức hiến máu tình nguyện theo hướng dẫn hiến máu an toàn của Ban chỉ đạo hiến máu quốc gia; Tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe, hướng dẫn thực hành vệ sinh và sức khỏe răng miệng cho thiếu nhi; Tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm sàng lọc bệnh bằng AI do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cung cấp; Tổ chức hỗ trợ chi phí y tế cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhi bị các bệnh bẩm sinh…
Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí trực tiếp cho 1.136.135 lượt người; hơn 1 triệu người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo GS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, hành trình đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thanh, thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn, như: Chương trình Careme - Khám sàng lọc bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa; chuyển đổi số vì sức khỏe phổi; chương trình Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn; sống khỏe mỗi ngày; hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng...
Cụ thể, đã có 21.217 thầy thuốc trẻ cả nước tham gia hành trình trực tiếp và trực tuyến; số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp là 1.136.135 lượt người; số lượng người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1.000.000 người; 2.997 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí...
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng. Trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.
Theo thống kê, 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35; tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp đang gia tăng, chiếm khoảng 5-12%; ngày càng nhiều trường hợp dưới 20 tuổi mắc bệnh đái tháo đường; mỗi năm thêm 8,000 người mắc suy thận mới, bao gồm người trẻ dưới 30 tuổi.
Đáng chú ý, 8% học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử. Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại tọa đàm, đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế đã nêu các đề xuất để Quốc hội kịp thời ban hành quy định cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ trong cộng đồng, tuyên truyền những thông điệp của ngành Y tế để giới trẻ hiểu được tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Các đại biểu đề xuất nghiên cứu thí điểm ứng dụng AI như một công cụ tiền sàng lọc các bệnh không lây nhiễm để không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân.