Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên đầu tư dự án nhà ở xã hội?

(BKTO) - Quy định về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chiều 25/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

qc1.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín”

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật có 196 điều.

Trong đó, liên quan đến quy định Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong Thường trực Ủy ban có 02 loại ý kiến về vấn đề này.

Nhiều ý kiến tán thành quy định TLĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để TLĐLĐ Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên quy định TLĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như Dự thảo Luật do Chính phủ trình.

“Đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị TLĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách TLĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật” - ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không tán thành việc quy định TLĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư. “Tổ chức chính trị - xã hội không nên "ôm" cái này vào. Nếu làm không khéo thì không hoàn thành nhiệm vụ” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay TLĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư một số dự án đã gặp vướng mắc vì không có nguồn lực. TLĐLĐ Việt Nam nên làm đúng chức năng nhiệm vụ, giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách cho công nhân cho tốt.

“Đại diện cho công nhân nhưng không phải bất cứ cái gì cũng làm, cái này nên giao cho Chính phủ, cơ quan hành chính làm” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng đề nghị cân nhắc nội dung này, cần đánh giá tác động, tính toán các mặt khi quy định vấn đề này.

Cân nhắc kỹ để không “vênh” với Luật Doanh nghiệp

Dẫn điều 10 của Hiến pháp: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, quy định nội dung này cũng rất phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của TLĐLĐ Việt Nam.

Để thuyết phục các đại biểu Quốc hội khi quyết định, bà Thúy Anh đề nghị TLĐLĐ Việt Nam nên có đề án cụ thể, rõ ràng hơn.

ct1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cân nhắc, trao đổi thêm về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, TLĐLĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu muốn quy định nội dung này trong Dự thảo Luật thì nên chỉnh lý theo hướng TLĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khu công nghiệp... thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư sản xuất kinh doanh.

“Cần cân nhắc, trao đổi thêm ý này để không “vênh: với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại diện TLĐLĐ Việt Nam phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc đưa quy định này vào Dự thảo Luật đảm bảo đầy đủ các cơ sở lý luận và thực tiễn.

Về cách thức đầu tư của TLĐLĐ, ông Hiểu nêu rõ, TLĐLĐ xác định khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chỉ đầu tư có tính chất tượng trưng, bởi vì nguồn kinh phí công đoàn cũng rất hạn chế.

Ông Hiểu thông tin, hiện nay kinh phí của TLĐLĐ chia làm 3 quỹ là quỹ thường xuyên, quỹ đầu tư và quỹ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Trong đó, quỹ Đại diện chăm lo, bảo vệ người lao động được ưu tiên nhiều nhất, còn quỹ đầu tư thì bao gồm cả đầu tư trụ sở cho LĐLĐ các tỉnh, cho hoạt động nhà ở thì chỉ chiếm 20%. Nếu tính ở thời điểm năm 2021 thì chỉ khoảng 5.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TLĐLĐ Việt Nam mong muốn xây dựng quy định này để khẳng định với đoàn viên, người lao động cả nước rằng khi tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội được thuê nhà ở với giá phù hợp.

“Đoàn viên, người lao động cả nước rất phấn khởi và mong chờ chính sách này. Đây vừa là vấn đề an sinh nhưng sâu xa cũng là vấn đề về kinh tế để thúc đẩy đoàn viên, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
  • Khó đảm bảo bao quát, đầy đủ các trường hợp thu hồi đất
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như hiện nay khó đảm bảo bao quát, đầy đủ.
  • Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản (BĐS) thông qua sàn giao dịch BĐS, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.
  • Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh nhiều diễn biến mới
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023, chiều 24/8, tại Trụ sở Chính phủ.
  • Ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
  • Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể hưởng lương hưu
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên đầu tư dự án nhà ở xã hội?