Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể hưởng lương hưu

(BKTO) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Sáng 17/8, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25.

170820230850-bh-2.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, so với Luật BHXH năm 2014, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung thay đổi lớn. Một trong những thay đổi quan trọng lần này là giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

bt-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH.

“Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Do vậy, Điều 71 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH - cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Bảo đảm tốt hơn cuộc sống của người lao động khi về già

Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh Với cho biết, với đề xuất của Chính phủ, hiện có 2 loại ý kiến.

dfb8652d2931fb6fa220.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp, bảo đảm sàn an sinh xã hội nhất định và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định như Dự thảo là phù hợp với quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của một số cơ quan của Quốc hội.

“Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH. Việc giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống” - bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Theo cơ quan thẩm tra, cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ; nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế; khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn Phương án, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi có ảnh hưởng về nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH, ảnh hưởng về kinh tế hoặc mức sàn an sinh xã hội tối thiểu; có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không?

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất của Chính phủ. Bởi vấn đề này đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Nghị quyết hướng tới giảm còn 10 năm, cần có bước trung gian 15 năm.

Mặt khác, theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian đóng để hưởng BHXH quá dài cũng là một trong những lýí do khiến người lao động rút BHXH một lần.

Tham gia thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng tán thành đề xuất của Chính phủ.

Bà Thanh phân tích, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 07 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

“Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu” - bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, với việc giảm thời gian đóng, mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài. Nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Cùng chuyên mục
  • Công khai, minh bạch hoạt động đấu giá tài sản
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
  • Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
  • Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ban hành văn bản pháp luật
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Thông qua một số vụ việc điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã có những phân tích về các vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
  • Quản lý tài nguyên nước bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm.
  • Bảo đảm hệ thống khám bệnh, chữa bệnh luôn vận hành thông suốt
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Dự thảo Nghị định). Các ý kiến đồng thuận cho rằng, Dự thảo Nghị định cần bảo đảm sự vận hành thông suốt, không để xảy ra xung đột, cản trở công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể hưởng lương hưu