Tổng thuật: Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế”

(BKTO) - Sáng 4/6, tại Trường quay Báo Kiểm toán, 111 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Báo Kiểm toán tổ chức buổi Tọa đàm Truyền hình với chủ đề “Ngành phân bón với các chính sách thuế”.

anh-duyen-3.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế”

Hiện nay có 2 loại thuế có ảnh hưởng nhiều đến ngành phân bón là thuế GTGT và thuế xuất khẩu phân bón khi dự thảo Luật thuế GTGT và Nghị định sửa đổi Nghị định 26 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đang dự kiến có nhiều thay đổi.

Cụ thể, về thuế GTGT cho phân bón, tại dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, phân bón dự kiến được chuyển từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT, với mức thuế suất 5%. Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội năm nay, kỳ vọng dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được thông qua với chính sách thuế GTGT mới áp dụng cho một số mặt hàng trong đó có mặt hàng phân bón.

12345.jpg
Cũng theo thống kê, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng.

Liên quan đến thuế xuất khẩu phân bón, Bộ Tài chính cũng đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 26 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi,… Tại dự thảo này, một vấn đề được đặt ra là liệu quy định mức thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón vô cơ như ure, supe lân, SOP có thực sự phù hợp đối với một số loại phân bón mà nguồn cung trong nước đã vượt cầu?

Trước tình hình trên, với mong muốn kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu cho thị trường phân bón trong bối cảnh hiện nay, tăng sức cạnh tranh và tạo sự bình đẳng với phân bón cùng chủng loại nhập khẩu, đồng thời hạ giá thành phân bón, Báo Kiểm toán đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề “Ngành phân bón với các chính sách thuế”

Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham dự Tọa đàm:
- TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam
- Ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco

Những lợi ích cho cả “ba nhà” khi được tháo gỡ Luật Thuế 71 cho phân bón

Đầu tiên xin được trao đổi với TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Thưa ông, sau gần 10 năm có hiệu lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (gọi tắt là Luật Thuế 71) đã bộc lộ những bất cập hạn chế gì?

2(1).jpg
TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

TS. Phùng Hà: Sau gần 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế GTGT đã có nhiều ưu điểm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nguồn thu của ngân sách nhà nước, tuy nhiên cũng đã xuất hiện những bất cập, cụ thể như sau:

Đối với sản xuất: Việc chuyển mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể.

Đối với việc cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu: Khi áp dụng Luật 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi không phải chịu chi phí thuế GTGT.

Đối với việc đầu tư các dự án mới về phân bón thế hệ mới, phân bón công nghệ cao: Nhìn chung các nhà máy phân bón nước ta, trừ một vài cơ sở mới đầu tư, nhìn chung công nghệ còn ở mức độ trung bình, chưa có nhiều các loại phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới, việc không dược khấu trừ thuế GTGT cho máy móc, thiết bị, xây lắp …. dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả cả dự án. Đây cũng là một trong các lý do “ngần ngại” đầu tư mới.

Là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh phân bón, ông Đỗ Đức Hùng: có thể đưa ra một vài con số (ước tính) để thấy được việc “lợi bất cập hại" của Luật Thuế 71 đối với chính doanh nghiệp của mình suốt gần 10 năm qua?

4(1).jpg
Ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco

Ông Đỗ Đức Hùng: Công ty Cổ phần Vật tư nông sản (Apromaco) là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón cho đến nay đã gần 40 năm. Hàng năm Công ty sản xuất khoảng 350.000 tấn phân bón các loại trong đó 200.000 tấn supe lân và 150.000 tấn NPK. Bên cạnh đó Công ty còn thực hiện kinh doanh, xuất nhập khẩu khoảng 500.000 tấn phân bón các loại. Trước năm 2015, khi thuế suất VAT đối với phân bón là 5% thì Công ty vẫn được khấu trừ thuế khi tiến hành các hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh toán chi phí… (các hàng hóa, chi phí này thường có mức thuế VAT cao hơn 5%). Tuy nhiên, sau khi Luật thuế 71 ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2015 thì phân bón không phải là đối tượng chịu thuế VAT, do đó Công ty không được hoàn lại khoản chênh lệch thuế này nữa. Trong thời gian khoảng 10 năm qua Công ty đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư: cải tiến công nghệ sản xuất supe lân, lắp đặt thêm các dây chuyền NPK… để nâng sản lượng đặc biệt là chất lượng mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp (nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, cải thiện độ đồng đều, độ tan của sản phẩm, tăng tỷ lệ thành phần dinh dưỡng dễ tan trong nước để cây trồng hấp thụ tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn, năng suất cao hơn dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp lớn hơn…) Tuy nhiên các khoản thuế đầu vào từ hoạt động đầu tư, từ chi phí nguyên nhiên vật liệu,. (thường khoảng 10% và gần đây có loại giảm xuống 8% theo chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính Phủ) không được khấu trừ do đó phải cộng vào giá thành dẫn đến tổng mức đầu tư tăng, chi phí sản xuất tăng lên làm cho giá bán buộc phải tăng lên và người tiêu dùng là nông dân phải gánh chịu. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán lại phụ thuộc yếu tố cung cầu và thị trường nên Công ty không thể tăng giá quá cao để bù đắp các chi phí nên sẽ bị thiệt hại và hậu quả là sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không còn nguồn vốn cho tái đầu tư, cho nghiên cứu phát triển. Trong giai đoạn 10 năm qua, số tiến thuế VAT Công ty phải chịu không được khấu trừ khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, chính sách thuế VAT với phân bón hiện tại đang không có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón lẫn người nông dân.

Thưa TS. Phùng Hà, trước những khó khăn của ngành phân bón và những bất cập có thể thấy rõ kể từ khi Luật 71 có hiệu lực, Hiệp hội đã có những đề xuất, kiến nghị gì để gỡ khó cho doanh nghiệp phân bón và bà con nông dân?

o-ha-8-.jpg
TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

TS. Phùng Hà: Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các đơn vị thành viên đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần, sửa đôi Luật 71, cụ thể như sau:

Kiến nghị lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tập hợp các ý kiến của các đơn vị thành viên gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, ….và các tổ chức có liên quan như VCCI, Ban Kinh tế tư nhân, Tổ Thị trường trong nước (Bộ CT) để cung cấp thông tin và kiến nghị.

Tham dự và trình bày tại các buổi tọa đàm hội nghị, hội thảo có liên quan đến Luật 71: do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, do Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức, do Cục Giám sát chính sách về thuế, phí và lệ phí tổ chức, do Viện NC Quản lý Kinh tế Trung ương Viện Nghiên cứu Chiến lược và Thương hiệu,…tổ chức

Tham dự đối thoại về Luật 71 trên các kênh Truyền hinh Quốc hội, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Công Thương, Báo Nông nghiệp Việt Nam,…;

Trả lời phỏng vấn VTV 1, VTV 9, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, hàng trăm tờ báo trong cả nước.

Phối hợp cung cấp các số liệu cho Vụ Chính sách Thuế nay là Cục Quản lý chính sách thuế, phí và lệ phí khi được yêu cầu.

Từ thực tế doanh nghiệp, nếu Luật thuế 71 được sửa đổi sẽ đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, thưa ông Đỗ Đức Hùng?

2-dien-gia-5-.jpg
Các diễn giả trao đổi tại trường quay 

Ông Đỗ Đức Hùng: Công ty chúng tôi rất mong đợi Nhà nước sẽ xem xét và sửa đổi Luật thuể 71 theo hướng các cơ quan đã trình là đưa phân bón vào danh mục chịu thuể VAT và mức thuế VAT cụ thể với mặt hàng này là 5%. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì sẽ đem lại một số lợi ích cho doanh nghiệp, cụ thể

Thứ nhất: Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí do được hoàn một phần thuế đầu vào. Khi giảm chi phí thì giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm và theo quy luật cạnh tranh tất yếu thì giá bán cho người nông dân mặc dù ban đầu có tăng lên do áp thuế nhưng sau cũng sẽ giảm xuống.

Thứ hai: Doanh nghiệp có nhiều động lực để đầu tư nghiên cứu phát triển những dự án phân bón chất lượng cao, thế hệ mới, đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội: tạo công ăn việc làm, tham gia xuất khẩu thu ngoại tệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp và do đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba: Góp phần cạnh tranh bình đẳng hơn với phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như TQ, Asean..Hiện tại nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thu hẹp sản xuất. Mức thuế mới sẽ làm cho sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón nội và phân bón ngoại trên thị trường. Doanh nghiệp chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh phải trên cơ sở bình đẳng.

Ở góc độ Hiệp hội, xin TS. Phùng Hà cho biết nếu Luật thuế 71 được sửa đổi sẽ đem lại “lợi ích kép” gì cho cả “3 nhà”: nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân?

o-ha-14-.jpg
TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

TS. Phùng Hà: Nếu Luật thuế 71 được sửa đổi sẽ đem lại “lợi ích kép” gì cho cả “3 nhà”: nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể, khi Luật thuế GTGT được sửa thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn do chi phí giá thành phân bón trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khi đây phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT. Bên cạnh đó, đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhập khẩu các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường hơn, góp phần giảm giá vật tư đầu vào.

Đối với người nông dân: Giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm do toàn bộ thuế GTGT đầu vào được hoàn/khấu trừ. Người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi ngành doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân. Nông dân mua phân bón nhập khẩu với giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

Tiếp tục tháo gỡ chính sách về thuế xuất khẩu phân bón

Bên cạnh Luật Thuế 71, ngành phân bón trong nước còn bị giảm sức cạnh tranh so với phân bón của các nước cùng khu vực, đó chính là chính sách áp thuế xuất khẩu phân bón hiện nay.

Hiện tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như ure, supe lân, SOP ở mức 5%. Tuy nhiên, một số loại phân bón trong nước sản xuất đã dư cung, cần khuyến khích xuất khẩu. Chính vì thế, Dự thảo này đang nhận được một số phản hồi trái chiều, cần tiếp tục được bàn bạc và tháo gỡ.

Thưa TS. Phùng Hà, TS có thể chia sẻ tóm lược về năng lực sản xuất phân bón trong nước và tình hình xuất, nhập khẩu phân bón hiện nay?

toan-canh-18-.jpg
Quang cảnh Tọa đàm

TS. Phùng Hà: Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại. Trong đó: Urea khoảng 1,6- 1,8 triệu tấn, DAP khoảng 0,7 đến 0,9 triệu tấn, SA 0,8 – 0,9 triệu tấn, Kali 0,9 – 1 triệu tấn, phân chứa lân các loại trên 1,2 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,5- 4 triệu tấn,….

Thứ nhất, về tình hình sản xuất phân bón: Thời gian gần đây mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 6,5 – 7 triệu tấn phân bón các loại, dưới đây là số liệu của một số công ty, thành viên của Hiệp hội PBVN:

- Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc: Năm 2023 sản lượng sản xuất urea đạt 325.860 tấn;

- Công ty Đạm Ninh Bình: Năm 2023 tổng sản lượng urea sản xuất, tiêu thụ đạt 440.000 tấn;

- Công ty DAP Hải Phòng sản xuất năm 2023 đạt 210.000 tấn DAP;

- Công ty Phân bón Bình Điền sản xuất năm 2023 đạt trên 582.000 tấn.

- Năm 2023 Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sản xuất tổng cộng 3,1 triệu tấn phân bón các loại.

- Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo): Năm 2023 đạt trên 980.000 tấn.

- Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Năm 2023 sản lượng sản xuất urea quy đổi đạt 954.000 tấn, NPK đạt 150.000 tấn.

Thứ hai, về nhập khẩu phân bón: Năm 2023: Lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

xk.jpg

Về xuất khẩu phân bón: Năm 2023 xuất khẩu phân bón đạt 1,55 triệu tấn, kim ngạch đạt 649 triệu USD. Lượng phân bón xuất khẩu sang thị trường Campuchia chiếm 36,1%, đạt 495,5 nghìn tấn, kim ngạch 208,2 triệu USD. Về xuất khẩu nước ta chủ yếu xuất khẩu urea, NPK, supe lân, SOP.

Thưa ông Đỗ Đức Hùng, xin ông cho biết về năng lực sản xuất phân các loại phân bón, đặc biệt là mặt hàng supe lân mà đơn vị ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước đã và đang hướng tới xuất khẩu hiện nay?

Ông Đỗ Đức Hùng: Công ty Apromaco có thể sản xuất trên 350.000 tấn supe lân/năm. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, Công ty sản xuất ở mức 200.000 tấn/năm. Phần lớn sản phẩm của Công ty dành tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, theo như TS Phùng Hà – PCT kiêm TTK Hiệp hội phân bón đã trao đổi thì công suất sản xuất supe lân đã quá dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Tổng công suất sản xuất supe lân lên đến 1,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trực tiếp trong nước thì chưa tới 500.000 tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất đang dư thừa cả 1 triệu tấn/năm cần phải có thêm thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp sản xuất mới tồn tại được nếu không buộc phải thu hẹp sản xuất, sa thải người lao động. Nhu cầu supe lân giảm mạnh là một yếu tố khách quan vì supe lân chủ yếu tiêu thụ cho cây lúa ở các tỉnh phía Bắc trong khi diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất lúa giảm nhanh chóng trong những năm gần đây và xu hướng người dân sử dụng phân bón tổng hợp thay thế phân đơn, trong đó có supe lân.

apromaco-supe-lan.jpeg
Xe vận chuyển phân bón NPK Lào Cai của Apromaco giao cho đại lý

Vì vậy Công ty Apromaco đã nhiều năm trăn trở tìm kiếm thị trường, chào bán hàng cho các nước có nhu cầu về supe lân để tiêu thụ lượng hàng dư thừa, đảm bảo cho Nhà máy lân được hoạt động tương đối ổn định, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Sau một thời gian dài tìm hiểu, cải tiến thiết bị, công nghệ, chịu rất nhiều chi phí tốn kém, Công ty đã xuất khẩu được lô hàng đầu tiên ra thị trường nước ngoài. Sản phẩm supe lân Việt Nam được khách hàng quốc tế tín nhiệm, nâng mức nhập khẩu khoảng 100.000 tấn/năm, dần giảm sự phụ thuộc vào một số xuất xứ khác như Trung quốc. Tuy nhiên, Nghị định số 26/2023 ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực kể từ 15/7/2023 quy định thuế suất xuất khẩu supe lân ở mức 5% thật sự là một gáo nước lạnh đột ngột đổ xuống làm cho doanh nghiệp choáng váng. Với mức thuế này, thật sự rất khó và nói thật là không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Trung quốc. Họ có lợi thế cạnh tranh về quy mô sản xuất, về thị trường, về logistics, về giá và thuế xuất khẩu SSP của họ bằng 0…nên có thể nói với chính sách thuế như vậy, cánh cửa xuất khẩu supe lân của Việt Nam vừa hé mở đã dần dần khép lại.

Vâng, thưa ông Đỗ Đức Hùng, từ góc độ doanh nghiệp, xin ông cho biết việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đối với sản xuất phân bón trong nước, nhất là so với sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc và các nước khác khi xuất khẩu vào các nước trong khu vực?

Ông Đỗ Đức Hùng: Sau khi Trung quốc nới lỏng chính sách kiểm soát xuất khẩu tháng 5/2023 thì giá các loại phân bón có xu hướng giảm mạnh vì Trung quốc là nước sản xuất các loại phân bón lớn trên thế giới, ngay sát cạnh Việt Nam nên mỗi động thái của Trung quốc sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến thị trường Việt Nam. Khi ta áp thuế xuất khẩu 5% nên mặt hàng supe lân, thì ngay lập tức giá của Trung quốc, Marốc, Ai cập… trở nên cạnh tranh hơn của Việt Nam và Trung quốc sẽ có cơ hội lấy lại những thị trường trước kia đã phải nhường cho Việt Nam trong giai đoạn kiểm soát xuất khẩu.

+ Việc áp thuế xuất khẩu 5% có vẻ như tăng thêm một chút nguồn thu cho nhà nước nhưng đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón lâm vào tình thế rất khó khăn: mất thị trường, mất khách hàng, phải thu hẹp sản xuất và sa thải người lao động, giảm đóng góp các khoản thuế khác cho Nhà nước và nếu chính sách kéo dài sẽ làm thui chột một mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Thưa TS. Phùng Hà, được biết hiện cả nước chỉ có Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất phân bón SOP với công suất 40.000 tấnn/năm. Hiện phân bón SOP cũng đang bị đánh thuế xuất khẩu 5%. Xin ông cho biết ý kiến về mức thuế suất trên?

dsc04955.jpg
TS. Phùng Hà trao đổi tại trường quay

TS. Phùng Hà: Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp dụng mức thuế suất xuất khẩu kali sulphate (SOP) 0% với lý do như sau:

Phân bón chứa kali gồm 2 loại: KCl hay còn gọi là MOP và K2SO4 hay còn gọi là SOP. Nông dân nước ta hiện quen sử dụng MOP với khoảng gần 1 triệu tấn/năm, trong khi đó SOP là loại phân bón 2 thành phần chứa nguyên tố đa lượng K và trung lượng là S còn ít được sử dụng.

sop-phu-my.jpg
Sản phẩm phân bón SOP của Công ty Cổ phần SOP Phú Mỹ

Vào thời điểm hiện nay tại Việt Nam có Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất kali sulphate với công suất 25.000 – 30.000 tấn/năm, trong khi Công ty này cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu vì bà con nông dân chưa quen sử dụng SOP. Lượng xuất khẩu SOP của Công ty SOP Phú Mỹ khoảng hơn 10.000 tấn/năm, giá trị thuế rất nhỏ so với các ngành hàng khác nhưng lại đóng vai trò quan trọng với một công ty duy nhất sản xuất SOP tại Việt Nam, cần ủng hộ duy trì sản xuất loại phân bón này vì trong tương lai nước ta sẽ sử dụng nhiều SOP hơn.

Để phân bón trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với phân bón cùng chủng loại với các nước cùng khu vực khi xuất khẩu, doanh nghiệp có kiến nghị và đề xuất cụ thể gì?

Ông Đỗ Đức Hùng: Để phân bón trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với phân bón cùng chủng loại với các nước cùng khu vực khi xuất khẩu, Công ty tôi kiến nghị Chính Phủ sửa đổi Nghị định số 26/2023 ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo hướng áp dụng quy định như cũ, tức là thuế xuất khẩu đối với mặt hàng supe lân là 0%, vì các lý do chính:

Thứ nhất, nếu như áp dụng theo quy định trước đây: mặt hàng phân bón (bao gồm phân supe lân) được chế biến từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng giá trị là tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản xuất sản phẩm thì thuế xuất khẩu là 0%; nếu giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên thì áp dụng thuế suất xuất khẩu 5%.

Theo thực tế sản xuất supe lân thì chi phí nguyên liệu (khoảng 675 kg quặng apatit/tấn sản phẩm) và chi phí năng lượng (chủ yếu là điện năng khoảng 8,37 kw/tấn sản phẩm) chỉ chiếm tối đa 35 - 40% giá thành sản phẩm, hoàn toàn đạt tiêu chí đề ra.

Thứ hai, nếu như không tính đến tỷ lệ giá trị là tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng so với giá thành theo như quy định mà áp dụng nguyên tắc ban hành thuế suất xuất khẩu của Chính phủ “Áp dụng mức thuế suất xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và áp dụng mức thuế suất xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa cần khuyến khích xuất khẩu” thì thuế suất supe lân vẫn nên để ở mức 0%, bởi lẽ:

Tổng công suất sản xuất supe lân khoảng 1,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 500.000 tấn/năm. Nhu cầu supe lân trong nước dự báo còn thấp hơn nữa trong thời gian tới do một diện tích lớn đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang mục đích khác: đất công nghiệp, đất đô thị, đất giao thông…, một số vùng, địa phương đã khuyến cáo giảm bón lân nhất là lân supe để đảm bảo độ PH trung tính của đất. Hơn nữa, theo số liệu của Tổng cục hải quan, lượng xuất khẩu supe lân năm 2022, 2023 chỉ khoảng 100.000 tấn. Số lượng xuất khẩu này so với năng lực sản xuất còn rất thấp, chỉ khoảng 10% công suất dư thừa. Do đó, xét tổng thể năng lực sản xuất supe lân so với nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này không những đã đáp ứng đủ mà còn dư thừa một lượng lớn, việc xuất khẩu supe lân cần được khuyến khích để tăng giá trị sản phẩm quốc nội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo hiệu quả đã đầu tư, thu được thuế cho các địa phương, thu được nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Như vậy, việc áp dụng thuế suất xuất khẩu supe lân 5% là không phù hợp, và việc sửa đổi thuế suất xuất khẩu supe lân này là cần thiết, và cần được thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông sức sản xuất cho một ngành hàng quan trọng.

Từ thực tế nêu trên và những kiến nghị của doanh nghiệp, xin TS. Phùng Hà cho biết nguyên nhân vì sao Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như ure, supe lân, SOP về 0%, thay vì mức 5% như hiện hành?

dam-phu-my-2.jpg
Việc sản xuất dư thừa buộc các nhà sản xuất trong nước phải thực hiện xuất khẩu, nên nếu áp thuế xuất khẩu sẽ mất đi cơ hội kinh doanh và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất urea.

TS. Phùng Hà: Về mức thuế suất cho SOP đã được trình bày ở phần trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp dụng mức thuế suất xuất khẩu urea và Supe lân 0% với lý do như sau:

- Đối với phân bón urea: Hiện trong nước có 4 nhà máy sản xuất phân bón urea là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCO), Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Phân bón và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Đạm Ninh Bình. Urea là mặt hàng trong nước sản xuất dư thừa, công suất của 04 nhà máy nêu trên là 2.5 -2,6 triệu tấn/năm, trong khi đó nhu cầu trong nước khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

- Đối với phân bón SSP: Năng lực sản xuất của các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân (SSP và lân nung chảy) đang dư thừa, tổng năng lực sản xuất SSP khoảng 1.500.000 tấn/năm, tổng lượng Lân nung chảy của 3 Nhà máy (Văn Điển, Ninh Bình, Lào Cai) khoảng 600.000 tấn/năm. Tổng sản lượng hai loại phân bón chứa lân đạt hơn 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên nhu cầu về lân đơn tại nước ta có xu hướng giảm rõ rệt (hiện vào khoảng 850.000 – 900.000 tấn/năm), người dân đã và đang chuyển dần sang sử dụng các loại phân phức hợp DAP, MAP và NPK.

Theo Bộ Tài chính khi xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 26 là "áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa, để tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đảm bảo công bằng với các mặt hàng có chế biến tương tự". Việc sản xuất dư thừa buộc các nhà sản xuất trong nước phải thực hiện xuất khẩu, nên nếu áp thuế xuất khẩu sẽ mất đi cơ hội kinh doanh và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất urea.

Cùng chuyên mục
  • Cần có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn
    3 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trả lời vấn đề đại biểu nêu liên quan đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân sinh sống tại đây; đồng thời khẳng định cần có giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược với vấn đề này.
  • Sử dụng cát biển thay cát sông có “đánh cược” với môi trường?
    3 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Giải pháp để giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, ngay từ đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6.
  • Tuyên Quang: Thu hút đầu tư cho phát triển xanh
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc thu hút các dự án đầu tư đang được tỉnh ưu tiên lựa chọn những dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Mục tiêu là để đón nhận những cơ hội đầu tư xanh vào các lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế.
  • 5 tháng đầu năm, doanh thu du lịch của Cần Thơ đạt 2,96 nghìn tỷ đồng
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Cùng với sự phát triển, phục hồi chung của cả nước, ngành du lịch TP. Cần Thơ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách lẫn doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Nhiều người không vội mua vì tin giá vàng giảm tiếp
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo ghi nhận của VnEconomy, chỉ 30 phút sau khi mở bán vàng miếng SJC, các điểm bán của ngân hàng thương mại đã phát hết số thứ tự cho người dân. Nhiều người dù đã được phát số nhưng vẫn bỏ về vì tin rằng giá vàng miếng sẽ còn giảm tiếp nên không vội mua...
Tổng thuật: Tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế”