Sử dụng cát biển thay cát sông có “đánh cược” với môi trường?

(BKTO) - Giải pháp để giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, ngay từ đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6.

040620240829-z5505157254747_e64697495cd672f8b93729ebf7a7c02f.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: VPQH

Vật liệu cát, đá, sỏi sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp phép mỏ

Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này.

Để giải quyết căn cơ khó khăn, vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian vừa qua, với cơ chế đặc thù của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc.

040620240839-z5505144975025_46e66b7b0a98d525a40e31f3a7a087ed.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Nhờ vậy, đến nay, tiến độ của các dự án này đều đạt và vượt tiến độ, yêu cầu đề ra.

Khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội đã được triển khai rất hiệu quả, để luật hóa nội dung này, Bộ trưởng nêu rõ, theo Luật hiện hành thì quy trình cấp mỏ của các vật liệu san lấp này giống như kim loại quý, chưa được phân loại, phân nhóm.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản gồm: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất, đá, sỏi. “Trong đó, vật liệu đất, đá, sỏi sẽ được phân cấp triệt để cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định” - Bộ trưởng nêu rõ.

Lo ngại việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến môi trường

Cũng liên quan đến vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng như dự án làm đường cao tốc thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm.

040620240831-z5505157544481_d13b5215652a6ff1ecb4e028e219351b.jpg
Đại biểu Trần Kim Yến đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VPQH

“Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi mà chưa đáp ứng thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Nhiều vấn đề đặt ra làm hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo thời gian hay không? Có ý kiến cho rằng việc sử dụng cát biển thay cát sông còn là mang mặn vào giữa cánh đồng lũ, trũng, cao trình thấp, nền đất yếu, nhất là trong tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay” - đại biểu nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc sử dụng cát biển.

Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải đã sử dụng cát biển trong san lấp và xây dựng đường giao thông. Theo đánh giá của Hội đồng Bộ Giao thông vận tải thì quá trình thí nghiệm cho thấy có thể sử dụng cát biển để san lấp, thi công đến độ K95.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thành xong Đề án đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối và cách bờ khoảng 20km, thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m.

“Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên môi trường khuyến cáo nếu lấy cát biển đó thì chỉ lấy khoảng 2m để hạn chế tối đa tác động đến môi trường” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định, hiện nay trữ lượng cát biển của nước ta rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.

Đối với băn khoăn của đại biểu về vấn đề nhiễm mặn, Bộ trưởng cho biết, khi sử dụng cát biển chúng ta phải đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, cát biển được sử dụng tốt nhất ở những khu vực đã có độ nhiễm mặn và phải bảo đảm không làm nhiễm mặn cho các vùng xung quanh. Như vậy, tùy theo công trình, dự án, tùy theo mức độ sẽ được đánh giá tác động đối với từng dự án với nguyên tắc không được để nhiễm mặn.

Khi cát biển được khai thác đưa vào làm vật liệu xây dựng thì Bộ Xây dựng cũng sẽ có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể như đưa vào công trình như thế nào, đưa vào những công trình nào, ở đâu? - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

Cùng chuyên mục
  • Bình Dương: Luôn chủ động kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Những tháng đầu năm 2024, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng. Tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
  • Bắc Kạn: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ kết quả thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn chậm, một số địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn được giao, chưa có nhiều dự án phát triển sản xuất mới và hầu hết các dự án chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao.
  • Bảo đảm tính khả thi về phương thức đầu tư cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành
    5 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, có phương án khả thi để thực hiện đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).
  • Gói hỗ trợ 19 tỷ USD - "Liều thuốc" tăng sức cạnh tranh cho ngành chip Hàn Quốc
    6 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Động thái này nhằm tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp then chốt này trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Gói hỗ trợ bao gồm các chương trình tài chính, sáng kiến nghiên cứu phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nhà sản xuất chip, nhà cung cấp vật liệu và công ty thiết kế chip. Chính phủ kỳ vọng gói hỗ trợ này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn của Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  • Tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
    6 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Sử dụng cát biển thay cát sông có “đánh cược” với môi trường?