Top 5 khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

(BKTO) - Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report tháng 10/2024, tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chia sẻ doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng được cải thiện rõ rệt so với kết quả khảo sát năm 2023. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm lần lượt 7,7% và 10,5%, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 5% của năm trước.

dn.jpg
Các doanh nghiệp lớn đặt nhiều kỳ vọng vào những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới. Ảnh: T.HUYỀN

Chưa tan “cơn gió ngược”

Điểm lại những khó khăn lớn trong năm 2024, xét theo tỷ lệ lựa chọn, Top 5 khó khăn theo đánh của doanh nghiệp gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (77,2%), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (74,3%), Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng (57,1%), Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (51,4%), Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối (40%).

Trải qua thời gian lạm phát toàn cầu kéo dài đã đưa giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lên mức cao, kết hợp những vấn đề về chuỗi cung ứng, yếu tố giá nguyên vật liệu vẫn nằm trong Top 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, yếu tố giá cả sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi cả Việt Nam và các quốc gia khác đều nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm xuống mức 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023 và Việt Nam vẫn luôn ổn định ở mức thấp dưới 4%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bỏ qua mức nền thấp của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.

Những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng cả ở mức độ tác động và tần suất. Gần đây, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, làm hư hại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại ước tính hơn 80 nghìn tỷ đồng.

Với những rủi ro tiềm tàng do thiên tai, các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn cho các giải pháp quản trị từ bảo hiểm vật chất, mối quan hệ với các bên và hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín với các bên cung ứng, khách hàng và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 ghi nhận những thành quả tích cực từ chính sách ổn định thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp sức cho doanh nghiệp vững vàng, ngày một lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn ngoại.

Để tiếp tục thúc đẩy đà phát triển này, các doanh nghiệp lớn đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics; tăng cường xúc tiến thương mại.

Cộng đồng doanh nghiệp lớn cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ, bội thu gần 192 nghìn tỷ đồng. Mức bội thu ngân sách tạo dư địa để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai hoặc tiếp tục gia hạn.

dn-lon.jpg
Doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho ngân sách nhờ doanh thu và lợi nhuận tăng. Ảnh minh họa: ST

Chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp

Gần đây, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo miễn giảm, gia hạn tiền thuế từ 1-2 năm tùy từng trường hợp chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, các chính sách giảm 2% VAT, các gói lãi suất ưu đãi được hy vọng tiếp tục triển khai, đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ nền kinh tế trên đà phục hồi.

Về vấn đề ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đây là được coi là thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đầu tiên là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về cả đối nội và đối ngoại, được kế thừa và phát huy qua nhiều nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo, xây dựng một Việt Nam với chính trị ổn định, là bạn và cùng phát triển với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp.

Cùng với đó, chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành và can thiệp nhanh chóng nhằm duy trì thị trường tài chính lành mạnh, tỷ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng chính sách tiền tệ và tài khóa luôn được điều hành linh hoạt để môi trường vĩ mô ổn định, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát.

Song song với ổn định vĩ mô, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được rà soát, cắt giảm. Điều này cũng đồng nhất với chủ trương tháo gỡ một số vấn đề trong thủ tục hành chính của Chính phủ như: sự chồng chéo, mâu thuẫn tại một số văn bản quy phạm pháp luật; quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn phức tạp; tình trạng tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo quyết định số 942/QĐ-TTg đã trải qua bốn năm triển khai trên lộ trình 2021-2025. Cùng với những chỉ đạo sát sao về cắt giảm, đơn giả của thủ tục hành chính đã có những kết quả đáng ghi nhận và vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong đăng ký kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính đi kèm.

Tiếp theo là về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics. Giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, vẫn còn lượng lớn ngân sách cần giải ngân để hoàn thành mục tiêu 95% nguồn vốn được giải ngân so với kế hoạch cả năm đã đề ra.

Do đó, cơ sở hạ tầng sẽ còn có thể hoàn thiện hơn nữa trong điều kiện dòng vốn đầu tư được giải ngân kịp thời, đồng thời cần giải quyết những vấn đề liên quan như giải phóng mặt bằng, đền bù cũng như di dời người dân sang khu tái định cư…

Cuối cùng là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Việc Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI cũng như tham gia nhiều hơn vào các FTA và đưa mức độ hợp tác lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế phát triển là bước tiến quan trọng trong xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu và hiện diện nhiều hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu là nơi các doanh nghiệp Việt luôn muốn hướng tới nhằm tận dụng lợi thế từ thuế quan FTA ưu đãi, cũng như lợi thế từ chênh lệch tỷ giá của tiền đồng so với những đồng tiền khác. Tìm được đầu ra tiềm năng sẽ là lời giải cuối cùng cho bài toán thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết./.

Cùng chuyên mục
Top 5 khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam