Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước
Ngày 04/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đại diện DN nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Trong Báo cáo gửi đến buổi gặp mặt, đánh giá về kết quả phát triển DN trong thời gian qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam (năm 2004), cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, số DN thành lập mới trong vòng 20 năm (2004-2023) đã đạt hơn 1,88 triệu DN. Mật độ DN đang hoạt động đã tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 DN/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 DN/1.000 dân năm 2023.
Với lực lượng đông đảo, khu vực DN đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội. Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN không chỉ là làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Cùng với nền tảng phát triển mạnh mẽ, theo VCCI, hiện nay, cộng đồng DN cũng đang đứng trước những cơ hội to lớn.
Về quốc tế, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và hợp tác quốc tế của DN, theo đó, các DN Việt ngày càng có nhiều cơ hội tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam…
Ở trong nước, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi dần tạo nên nền tảng vững chắc hơn cho hoạt động của DN. Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN, giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính và tăng cường minh bạch…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng DN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Cụ thể, những căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi; tiêu dùng, đầu tư toàn cầu vẫn chưa phục hồi tích cực; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại tại các thị trường trên thế giới vẫn có dấu hiệu gia tăng…
Khảo sát của VCCI cho thấy vấn đề lớn nhất mà các DN hiện gặp phải là tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn tồn tại nhiều điểm vướng mắc, bất cập cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Cùng với đó, các DN còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính. Đơn cử như, trình tự thủ tục để thực hiện một dự án đầu tư còn quá dài, thậm chí có thể kéo dài đến gần một năm, với nhiều thủ tục phức tạp, thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau. Có những quy định pháp luật liên quan đến quy trình này chưa thực sự đủ rõ ràng, khiến cho việc áp dụng trở nên thiếu thống nhất giữa các địa phương. Theo kết quả rà soát hệ thống pháp luật mới đây của Bộ Tư pháp, để thực hiện được quy trình, thủ tục cho một dự án đầu tư có sử dụng đất, nhà đầu tư phải trải qua khoảng 40 bước thủ tục và mất khoảng 310 ngày để kết thúc chuỗi thủ tục trên.
Ngoài ra, các DN cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, nhiều DN, hộ kinh doanh đã bị thiệt hại nặng nề do hậu quả của cơn bão Yagi. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít DN đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá... Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều DN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động...
Nhiều kiến nghị để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cống hiến hết mình cho đất nước
Tại cuộc gặp mặt, nhiều DN, đại diện hiệp hội DN đã gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất, kiến nghị để cộng đồng DN ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế đất nước.
Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân chia sẻ, hiện nay việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là các dự án rất lớn như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết, để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý.
Vì thế, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc cần có một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ thực hiện hai dự án trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, theo ông Thân, Việt Nam có rất nhiều DN có đủ năng lực để tổ chức triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng lớn. Do đó, Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các DN tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...). Việc này một mặt sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công khi có sự tham gia của khu vực tư nhân, mặt khác lại mở rộng không gian phát triển cho DN.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết thêm, nước ta hiện có khoảng 3% là DN lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng DN lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và các chuỗi giá trị trong nước. Do đó, Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể, cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các DN lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Từ góc độ DN lớn, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế để hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho các DN “đầu đàn”, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các DN khác của Việt Nam tạo nên hệ sinh thái đầy đủ tại thị trường các nước đầu tư.
Liên quan đến thị trường tài chính, thu hút đầu tư, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối DN tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.
Để hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển, lãnh đạo Tập đoàn TTC nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết; nếu xây dựng thành công sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng, đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Đưa thêm kiến nghị từ góc độ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, VCCI đề xuất trong thời gian tới, cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Theo đó, các chính sách, quy định pháp luật sẽ không chỉ dừng lại ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang có mà phải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho các DN phát triển.
Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách cần phát huy tốt hơn nữa vai trò là “điểm tựa” bảo vệ và nuôi dưỡng các DN làm ăn chân chính; thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, khích lệ, động viên doanh nhân, DN cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước, xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.