TP. Nam Định: Mở rộng địa giới hành chính, xây dựng xứng tầm đô thị trung tâm vùng

(BKTO) - Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định vai trò của Thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

l_thanh-pho-nam-dinh-nam-o-phia-bac-cua-tinh-nam-dinh-cach-thu-do-ha-noi-90km-ve-phia-tay-bac.jpg
TP. Nam Định nằm ở phía Bắc của tỉnh Nam Định cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc. Ảnh: ST

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định TP. Nam Định là đô thị tỉnh lỵ; trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học kỹ thuật, thương mại tài chính và vùng kinh tế động lực của tỉnh đến năm 2030 và năm 2050 là trung tâm kinh tế, là đầu mối giao lưu lớn của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Ngày 18/6/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về việc tập trung xây dựng, phát triển TP. Nam Định giai đoạn 2021-2025. Theo đó đã xác định mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là: Xây dựng, phát triển TP. Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Phấn đấu đến năm 2030, TP. Nam Định trở thành thành phố thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Để việc xây dựng, phát triển Thành phố như mục tiêu đề ra, ngày 05/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg công nhận TP. Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại II. Theo Quyết định, TP. Nam Định sau mở rộng sẽ có phạm vi 120,9km² gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu đạt tiêu chí đô thị loại II gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã; khu vực nội thị dự kiến có diện tích 56,38km² gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường; khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52km², gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận). So với diện tích hiện nay, Thành phố sau mở rộng có diện tích gấp khoảng 2,6 lần; sẽ có vị thế và cơ hội phát triển mới, có khả năng khai thác phát huy những tiềm năng để xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững. Mặt khác, sẽ giải quyết được các vấn đề của trung tâm đô thị hiện hữu và các khu vực tăng trưởng dọc theo Quốc lộ 21 và 21B, xây dựng phát triển Thành phố hai bên sông với vành đai tăng trưởng thương mại, dịch vụ.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền TP. Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hai giải pháp trọng tâm, gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trong đó, Thành phố sẽ tổ chức lập, điều chỉnh và công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố (bao gồm cả địa giới hành chính Thành phố sau khi mở rộng); xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025”, “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị” theo Quy hoạch chung được phê duyệt làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố. Thực hiện quy hoạch và đầu tư các khu vực phát triển đô thị theo đúng lộ trình, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung vào khu vực trung tâm đô thị hiện hữu (khu vực phát triển đan xen phía Nam Vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu vực dịch vụ đô thị phía Tây Bắc Thành phố; khu vực phát triển đô thị mới Nam sông Đào).

Giai đoạn 2026-2030 là khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam Thành phố.

Giai đoạn sau 2030 tiếp tục đầu tư phát triển các khu vực trung tâm cửa ngõ phía Tây đường Vành đai 1; khu vực công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía Tây Thành phố; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía Nam sông Châu Giang; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam Thành phố.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TP. Nam Định, cụ thể:

Hoàn thành các dự án: Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; đường trục trung tâm phía Nam Thành phố; các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10; chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong; nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt bão hữu sông Hồng và tả sông Đào; Khu thiết chế công đoàn.

Khởi công và phấn đấu hoàn thành các dự án: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; Dự án xây dựng đường trục phía Nam TP. Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Nam Định.

Nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 2.

Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị hiện có; nghiên cứu xây dựng mới các khu đô thị hiện đại, với các chức năng thương mại, dịch vụ, trường học, công viên theo quy hoạch như: Khu nhà ở thương mại Bãi Viên; khu nhà ở xã hội; các khu đô thị mới Phú Ốc, Nam Vân, Thành An, Mỹ Lộc.

Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị, cấp điện và chiếu sáng, công viên, cây xanh, thể dục thể thao và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cụm sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các khu công cộng, công viên và các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị, nhằm xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử Thành phố; thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực, trong đó ưu tiên lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch...

Mở rộng địa giới hành chính sẽ mở ra cơ hội phát triển mới của TP. Nam Định trong tương lai. Cùng với việc nắm bắt thời cơ, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, TP. Nam Định tập trung xây dựng, phát triển Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại; xứng đáng là trung tâm thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Đồng bằng sông Hồng./.

Cùng chuyên mục
  • Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn “ì ạch”
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vẫn giải ngân rất chậm, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, nhằm đảm bảo phát huy đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của gói tín dụng.
  • Khắc phục bất cập chính sách đầu tư dự án PPP
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đa số các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia, nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.
  • Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải cách quản lý tài chính công
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và có bước tiến khá toàn diện trong việc tăng cường kỷ cương tài khóa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý tài chính công cũng như việc minh bạch tài khóa.
  • PC Quảng Ninh: Chủ động các giải pháp vận hành lưới điện an toàn trong mùa mưa bão
    2 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2024, sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường. Do vậy, để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục và ổn định, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
  • Minh bạch đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, làm rõ đối tượng không chịu thuế để bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện…
TP. Nam Định: Mở rộng địa giới hành chính, xây dựng xứng tầm đô thị trung tâm vùng