Trách nhiệm phối hợp để hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán

(BKTO) - Trên cơ sở yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, KTNN đã rà soát các quy định để đánh giá đúng thực trạng mối quan hệ phối hợp giữa hoạt động KTNN và hoạt động thanh tra. Từ đó, KTNN đề nghị bổ sung quy định pháp lý về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.




Tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động để tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ảnh: Ngọc Bích
Chủ động phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán

Theo KTNN, qua tổng kết thực tiễn 3 năm thi hành Luật KTNN cho thấy, trên thực tế, hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán có xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp về niên độ, nội dung, phạm vi và đối tượng. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán. Để hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp nói trên, cần phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục, trong đó, giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành có ý nghĩa quan trọng.

Theo Hiến pháp, hoạt động kiểm toán của KTNN có đối tượng và phạm vi rộng, bao gồm mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, sự phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán giữ vai trò quan trọng, tạo điều kiện để KTNN ngày càng nâng cao chất lượng kiểm toán, phục vụ và đáp ứng tốt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Luật KTNN quy định, KTNN được độc lập xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, KTNN vẫn gửi xin ý kiến Thanh tra Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, đơn vị liên quan khác. Sau khi KTNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, mới ký ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán. Với cách làm này, tuy đã hạn chế được trùng lặp, chồng chéo nhưng cần có sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật để khắc phục triệt để tình trạng này. Do đó, việc thể chế hoá quy định này nhằm hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và KTNN; đồng thời, đảm bảo tính độc lập của hoạt động KTNN theo quy định của pháp luật.

Cần Luật hóa để xử lýtrùng lặp, chồng chéo

KTNN và cơ quan thanh tra đều là các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra. Trong đó, hoạt động của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (hoạt động ngoại kiểm). Thanh tra là công cụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước; hoạt động thanh tra xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân (hoạt động nội kiểm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước). Với vai trò Hiến định độc lập, khách quan của KTNN, việc thực hiện ngoại kiểm sẽ bảo đảm minh bạch, bình đẳng, góp phần phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo quy định của Luật Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các Bộ, ngành căn cứ kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giữa hai cơ quan, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp công tác. Thực tiễn hơn 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp cho thấy việc ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan là cần thiết. Hai cơ quan đã có sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tuân thủ chặt chẽ Quy chế phối hợp đã ký kết, đảm bảo tính độc lập của KTNN và Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm toán.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, ngoài việc xin ý kiến bằng văn bản, KTNN và Thanh tra Chính phủ đều tổ chức họp để kiểm tra, rà soát chi tiết đối với các cuộc thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu trùng lặp, chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của KTNN với kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra một số Bộ, ngành. Qua đó, hai bên đã trao đổi, đề ra giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề trùng lặp, chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vẫn chủ yếu được giải quyết trên cơ sở Quy chế phối hợp và các văn bản nội ngành, các văn bản chỉ đạo cá biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Việc giải quyết mới chỉ thực sự ở KTNN với Thanh tra Chính phủ, còn thực chất hoạt động của thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành vẫn còn tình trạng chồng chéo với hoạt động của KTNN.

Vì vậy, việc quy định trách nhiệm rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo giữa KTNN và Thanh tra là rất cần thiết để thống nhất triển khai trong toàn hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Theo đó, với vai trò độc lập đã được Hiến định, việc quy định KTNN chủ trì xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là phù hợp để góp phần hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp hiện nay.

Xuất phát từ cơ sở trên, tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, KTNN đề xuất bổ sung một điều về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo hướng: Các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trước khi báo cáo Quốc hội, KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019
Cùng chuyên mục
Trách nhiệm phối hợp để hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán