Gấp rút tìm phương án tháo gỡ thị trường
Sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 45%/năm, năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm dần về quy mô phát hành và thanh khoản thứ cấp trong khi lãi suất tăng mạnh, các loại hình nhà đầu tư thu hẹp và tăng nhu cầu bán trái phiếu trước hạn…
Cũng trong năm 2022, sai phạm của một số DN khiến thị trường diễn biến phức tạp. Chủ yếu chỉ có các tổ chức như: Ngân hàng, công ty chứng khoán, DN phát hành mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư. Việc phát hành mới hầu như không thể triển khai. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 11/2022, các DN đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường còn phải đối mặt với khối lượng đáo hạn trong năm 2023, lên tới khoảng 308.622 tỷ đồng. Gần đây nhất, một DN niêm yết đã rơi vào tình trạng mất cân đối vốn và không thể thực hiện thanh toán lãi đúng hạn đối với 2 gói trái phiếu. Cuối cùng DN phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để tìm kiếm nguồn tiền thanh toán các đợt lãi tiếp theo cũng như mua lại trái phiếu trước hạn do trái chủ yêu cầu.
Trước tình trạng thị trường trái phiếu diễn biến phức tạp, hàng loạt đề xuất tháo gỡ được các chuyên gia, các DN, các hiệp hội... đưa ra. Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp như: Cho phép DN Bất động sản thế chấp trái phiếu DN để vay vốn ngân hàng, đề xuất gia hạn kỳ hạn của trái phiếu để giảm áp lực, cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu DN riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định… Số liệu thống kê cho thấy, nhóm Bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát, chỉ sau nhóm Ngân hàng, chiếm khoảng 20,4% và chủ yếu sử dụng phương thức phát hành riêng lẻ thay vì phát hành ra công chúng.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản với sự tham gia của các Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, ngành quan trọng như: Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư…
Chia sẻ với báo chí nhân dịp cuối năm, Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Tổ công tác đã trực tiếp khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN bất động sản. Tổ công tác nhận thấy, các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm của mình và bản thân DN cũng phải tự có giải pháp.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư; rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng; phối hợp với NHNN đảm bảo thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, phối hợp với NHNN xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu DN riêng lẻ...
Được biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/NĐ-CP về trái phiếu DN riêng lẻ với một số nội dung quan trọng như: Giãn thời gian thực hiện quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và quy định xếp hạng tín nhiệm, cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu nhằm hỗ trợ DN, giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh.
Nâng “chất” thị trường có lộ trình
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam – cho biết, phát triển thị trường trái phiếu là nhu cầu tất yếu để hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính với ba kênh dẫn vốn quan trọng gồm: Vốn chủ sở hữu (cổ phiếu), vốn nợ dài hạn (trái phiếu) và vốn tín dụng ngân hàng (thường là vốn lưu động ngắn hạn), phát huy tốt nhất chức năng dẫn vốn thúc đẩy nền kinh tế phát triển hiệu quả. Các kênh dẫn vốn này là mạch máu quan trọng của nền kinh tế, máu phải luân chuyển, bất cứ một kênh dẫn vốn nào bị ách tắc, cơ thể nền kinh tế sẽ gặp “trục trặc”. Sau thời gian dài phát triển mạnh về quy mô, việc tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước để thị trường trái phiếu DN phát triển hài hoà hơn giữa quy mô, số lượng và chất lượng, hướng tới sự bền vững lành mạnh là cần thiết. Nhưng việc nâng cao chất lượng thị trường đòi hỏi phải có lộ trình nhằm hỗ trợ DN “chuyển đổi”.
Những động thái tháo gỡ của Chính phủ không đồng nghĩa với việc “giải cứu” tất cả các DN, như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nói “bản thân DN cũng phải tự có giải pháp”. Xu hướng huy động trên thị trường trong năm 2023 có lẽ sẽ thiên về tái cấu trúc để tối ưu hóa dòng vốn, tạo nền tảng phát triển trong giai đoạn mới. Trên thị trường, những dấu hiệu tái cấu trúc hàng loạt và theo đó là bóng dáng các thương vụ M&A bắt đầu xuất hiện. Mới đây, một DN niêm yết đã thông qua các phương án chuyển nhượng tài sản, chủ yếu là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, vốn để phát triển các dự án để khắc phục tình trạng thiếu thanh khoản. Cùng với đó là sự xuất hiện các gương mặt đại diện cho nhóm cổ đông mới tại Hội đồng quản trị của công ty này…
Bên cạnh giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, chính các DN phải nâng tầm, nâng cao chất lượng, tạo nên những DN có quản trị tốt hơn, minh bạch hơn, hướng tới tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn; hình thành những DN có năng lực cạnh tranh bền vững, chắc chắn, không chỉ ở trong nước mà cả thị trường nước ngoài./.