Trái phiếu xanh tại Việt Nam: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn

(BKTO) - Trong bối cảnh hiện nay, trái phiếu xanh (TPX) được đánh giá là một công cụ huy động vốn quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này còn khá non trẻ. Kết quả thống kê cho thấy, giai đoạn 2018-2023, chỉ có 19 TPX được phát hành…

26.jpeg
Trái phiếu xanh để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn gặp khó khăn

Theo ước tính của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến năm 2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 753 tỷ USD để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam cần khoảng 571 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khoảng 59 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và gần 80 tỷ USD cho đầu tư các công trình xanh. Nguồn vốn này không thể chỉ đến từ khu vực công, ngân sách địa phương hay nguồn vốn ODA, mà cần huy động vốn từ khu vực tư nhân và TPX - công cụ tài chính quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn xanh trong nước và quốc tế.

Thống kê của Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng tích lũy TPX phát hành trên toàn cầu đạt hơn 1,5 triệu tỷ USD; trong đó, khu vực ASEAN phát hành các loại nợ xanh, xã hội và bền vững đạt 24 tỷ USD; sản phẩm liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD - tăng trưởng mạnh so với những năm trước. Tại Việt Nam, tổng giá trị phát hành xanh, xã hội và bền vững năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2020.

Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

Khoản 1 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm xây dựng các định hướng, cơ chế, chính sách phát triển thị trường TPX. Đến nay, thị trường này được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn TPX để thực hiện các dự án xanh. Nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững đã được ban hành nhằm tạo tiền đề và thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm tài chính xanh, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về trái phiếu doanh nghiệp xanh, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn TPX và yêu cầu công bố thông tin liên quan; Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định phát hành trái phiếu Chính phủ xanh để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường; Thông tư số 96/2020/TT-BTC nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin về ESG khi yêu cầu các công ty niêm yết phải công bố về tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp tại Báo cáo thường niên.

Đáng chú ý, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp cùng IFC công bố Sổ tay hướng dẫn phát hành TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc phát hành TPX. Đặc biệt, tháng 8/2023, UBCKNN đã phối hợp với IFC ra mắt Sổ tay hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn. Mặc dù nhu cầu huy động vốn từ phát hành TPX phục vụ các dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên, việc phát hành TPX ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Kết quả thống kê cho thấy, chỉ có 19 TPX được phát hành từ năm 2018 đến năm 2023. Những đợt phát hành TPX gần đây cũng cho thấy, thị trường này còn dư địa tăng trưởng rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực, thị trường TPX tại Việt Nam còn gặp khó khăn do thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng, đặc biệt là thiếu thông tin, tiêu chí về dự án xanh, về xã hội và môi trường. Nhận thức, hiểu biết và hành động cụ thể của các bên liên quan về ưu tiên phát triển TPX còn hạn chế. Thêm vào đó, khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư… trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện và chưa theo kịp, trong khi niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm bởi các vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Chưa kể, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư TPX.

UBCKNN thừa nhận, nhận thức và sự sẵn sàng cho thị trường vốn xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trên thị trường vốn còn thấp. Khung phát hành TPX, vai trò của tổ chức đánh giá độc lập và những chính sách ưu đãi về thuế phí cần được quy định cụ thể hơn nữa để thúc đẩy hoạt động phát hành TPX trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ những lợi ích từ các dự án xanh nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực. Các công cụ tài chính xanh còn chưa đa dạng, chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.

Hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục

Để phát triển thị trường TPX, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cả Nhà nước và tư nhân cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành TPX; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành TPX. Cùng với đó, Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí TPX cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN). Đồng thời, cần có thêm hướng dẫn trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá, như: Cách thức xử lý, khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục…

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, TPX và dán nhãn dự án xanh, TPX theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu mẫu về việc hướng dẫn hoạt động phát hành TPX trong nước và quốc tế làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.

UBCKNN cho biết, thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm, bao gồm TPX và các sản phẩm tài chính xanh theo Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia: Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như thuế, phí nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương khẳng định, thị trường TPX còn nhiều tiềm năng để phát triển và việc phát triển thị trường TPX trong thời gian tới cần sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhà đầu tư và truyền thông của các cơ quan báo chí. “Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, công chúng đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí, thị trường TPX sẽ ngày càng phát triển hơn nữa” - Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng./.

Cùng chuyên mục
Trái phiếu xanh tại Việt Nam: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn