Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 9/12, nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho rằng, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2011-2015.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Theo thống kê từ Bộ Công an, so sánh giai đoạn 2016-2020 và 5 năm trước cho thấy, số vụ tai nạn giao thông giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%.
Đặc biệt, năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 13% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Đại diện thành phố Hà Nội cho biết đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn.
Từ năm 2015 đến tháng 10/2020, bình quân hằng năm giảm trên 11% số vụ, 6,44% số người chết và trên 16% số người bị thương.
Trong 11 tháng năm 2020, thành phố đã thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần chống dịch như chống dịch, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tốt trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm sâu trên 10% số vụ, số người chết và bị thương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, giai đoạn 2016-2020, qua tuần tra, kiểm soát vi phạm trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, thành phố đã xử lý hơn 2,3 triệu trường hợp, thu phạt hơn 1.630 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 393.341 trường hợp, tạm giữ hơn 311.000 phương tiện các loại; trên lĩnh vực đường thủy, đã xử lý 69.800 trường hợp.
Với những cố gắng này, giai đoạn 2016-2020, số vụ tai nạn đã giảm 9.945 vụ (35,9%), giảm 413 người chết (10,9%) và giảm 14.000 người bị thương (52,5%) so với giai đoạn 2011-2015.
Giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, từ 5% trở lên.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho hay đánh giá của Cục và tham khảo một số nước trên thế giới, tai nạn và vi phạm trật tự, an toàn giao thông của Việt Nam vẫn ở mức cao, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa tốt.
Từ năm 2016-2020, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 20 triệu lượt vi phạm trật tự giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 14 nghìn tỷ đồng, trong đó, trên 824.600 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 2.134 lái xe dương tính với ma túy...
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục Cảnh sát giao thông đang triển khai hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên một số tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm.
Qua hệ thống giám sát xử phạt nguội, lực lượng cảnh sát giao thông trong 3 tháng qua đã phát hiện, xử lý 42.344 trường hợp.
Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và nhân rộng trên các tuyến quốc lộ khác, tiến tới giảm tối đa lực lượng cảnh sát giao thông trên đường nhưng vẫn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Thông tin tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết từ năm 2019 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lực lượng chức năng đã khởi tố 54 vụ, 77 bị can về hành vi làm giấy tờ giả liên quan đến hoạt động an toàn giao thông.
Thứ trưởng đề nghị các bộ, địa phương rà soát và công khai quy hoạch giao thông, bởi hiện chúng ta không có quy hoạch chuẩn, không công bố để mọi người và các cấp phải giữ quy hoạch, nên khi triển khai dự án hạ tầng giao thông rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tốn kém trong chuẩn bị đầu tư.
Ùn tắc giao thông không thể giải quyết được nếu không có một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, không có các phương tiện, các loại hình dịch vụ giao thông kết nối đồng bộ.
Không vì Tết mà nể nang, xuê xoa
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 5 năm qua.
Đặc biệt, 5 địa phương giảm trên 30% cả 3 tiêu chí của năm 2019 so với năm 2015 là Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Bình Định, Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thể hiện rõ nhất là còn 7 địa phương để xảy ra số người chết do tai nạn giao thông tăng trong 5 năm qua, gồm: Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang. Trong số đó, Bến Tre tăng cao 39,6%, Hải Dương tăng 7,1% và Tiền Giang tăng 6,7%.
Năm 2020, tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong vòng 10 năm nhưng vẫn còn để xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, mà vụ tai nạn xe khách tại Quảng Bình làm 15 người chết và 28 người bị thương là vụ có thương vong lớn nhất kể từ năm 2005...
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 và những việc cần lưu ý trong năm 2021, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông” để thực hiện.Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về an toàn giao thông, các cơ sở pháp lý để triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do cảnh sát giao thông phát hiện và kiến nghị.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào các hành vi có nguy cơ tai nạn giao thông cao, như lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma túy; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết dương lịch, sau đó là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; trấn áp những kẻ cố tình chống đối người thi hành công vụ; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.
“Tôi đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân," Phó Thủ tướng yêu cầu./.
Theovietnamplus.vn