Tránh cơ chế xin - cho trong cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

280820230345-thu-ha.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: VPQH

Giám sát chặt chẽ chất lượng nước cấp cho người dân

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có ý kiến đề nghị bổ sung một chương quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; điều kiện năng lực của đơn vị cấp nước; phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước; hợp đồng mua bán nước; chế tài xử lý vi phạm trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; ứng phó đối với các sự cố về nước, cấp nước…

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và bảo đảm chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 Dự thảo Luật.

Các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước. Do đó, Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị không bổ sung các nội dung này vào Dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng việc cấp nước cho sinh hoạt cần quy định sát thực tiễn, ngoài những nhà máy nước tập trung thì vẫn phải kết hợp với những trạm cấp nước quy mô nhỏ để đảm bảo phù hợp điều kiện ở nông thôn; tách hai chủ thể khai thác và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán tại khoản 3, Điều 44 và tách riêng nội dung quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thể hiện như tại mục 2, Chương IV của Dự thảo Luật.

Góp ý vào quy định này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, xem xét bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 44 về việc thực hiện giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung. Đồng thời, giám sát tự động, liên tục chất lượng nước sau xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Theo đại biểu, việc giám sát tự động, liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp sẽ bảo đảm giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp nước sạch cho người dân. Bởi, nguồn nước đầu vào nước sinh hoạt cho người dân hiện chưa được kiểm soát, rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Dù các đơn vị cấp nước sinh hoạt cho người dân đã thực hiện giám sát chất lượng nước định kỳ song chưa được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, quản lý, kết quả phân tích cũng chỉ cung cấp khi thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm. Do đó, chất lượng nước cấp cho người dân chưa được quản lý và giám sát chặt chẽ.

Bổ sung quy định về thời hạn cấp giấy phép

Quan tâm đến quy định về cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) chỉ rõ, Điều 54 của Dự thảo Luật đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Theo đại biểu, thực tế việc cấp các loại giấy phép trong các lĩnh vực đều có thời hạn và gia hạn theo Luật định. Do vậy, việc bổ sung quy định thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là phù hợp, tránh tạo ra sự thiếu đồng bộ và tạo thành cơ chế xin - cho trong quá trình cấp giấy phép.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra, Dự thảo Luật còn khá nhiều các thủ tục hành chính được quy định dưới dạng yêu cầu có văn bản chấp thuận; điều này có thể gây ra những vướng mắc trong quá trình thực thi và phát sinh thêm chi phí của xã hội.

Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các nội dung quy định này để tránh gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đồng thời phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Cùng chuyên mục
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên đầu tư dự án nhà ở xã hội?
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Quy định về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
  • Khó đảm bảo bao quát, đầy đủ các trường hợp thu hồi đất
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như hiện nay khó đảm bảo bao quát, đầy đủ.
  • Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản (BĐS) thông qua sàn giao dịch BĐS, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.
  • Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh nhiều diễn biến mới
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023, chiều 24/8, tại Trụ sở Chính phủ.
  • Ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06
    8 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Tránh cơ chế xin - cho trong cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước