Ảnh minh họa |
Chậm trễ không đáng có
Về tổng thể, sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới có hình thức bắt mắt, khổ lớn hơn, giấy in đẹp, chất lượng cũng được các thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá cao. Vì vậy, nhiều nhà xuất bản cho biết họ sẽ gặp khó khăn nếu phải bảo đảm giá sách mới không cao hơn giá sách hiện hành như Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu.
Tại Tọa đàm trực tuyến: “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa - thuận lợi và thách thức”, Nhà giáo Ngô Trần Ái, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết, với bộ sách hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm. Nếu bán sách mới giá vẫn như cũ thì “sao làm được”? “Chúng tôi hiểu sách giáo khoa không được phải lãi nhiều vì tác động đến 20 triệu học sinh, nhưng các doanh nghiệp xuất bản cũng phải được bảo toàn vốn, vì lỗ năm nay thì làm sao làm năm sau làm tiếp được? Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách hợp lý. Hiện tại đã quá thời gian công bố giá sách (15.2) mà đến giờ vẫn chưa thể công bố giá, đây là sự chậm trễ không đáng có”, ông Ái trăn trở.
Là người chuyên viết sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và cũng là Tổng chủ biên của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Bộ sách “Cánh diều” có đến 42 trong tổng số 56 thành viên ban soạn thảo chương trình tham gia biên soạn. Điều này tạo thuận lợi khi làm sách là được chọn những tác giả giỏi, tâm đầu ý hợp chứ không chiều theo ý của các cơ quan khác nhau để đưa vào. Tuy nhiên, ông Thuyết cũng cho rằng, khó khăn nhất là những chủ trương không rõ ràng, nhất quán từ đầu của các nhà quản lý. Nghị quyết 29 Trung ương hay Nghị quyết 88 của Quốc hội đều nói thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa theo các môn học… nhưng không nói Nhà nước sẽ định giá. “Nếu từ đầu nói xã hội hóa nhưng Nhà nước định giá thì sẽ không ai làm”, ông khẳng định.
Định giá sách theo cơ chế thị trường
Việc triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường cạnh tranh, minh bạch, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người sử dụng. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước như thế nào với nhóm đối tượng được Nhà nước bao cấp. Ví dụ không thu tiền, miễn phí, hoặc hỗ trợ các trường mua sách rồi cho học sinh thuê, rồi quay vòng cho lứa học sinh sau.
Mặt khác, PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Trường Đại học Thành Đông cho rằng, định giá sách giáo khoa phải tuân theo cơ chế thị trường. Cụ thể, nếu đó là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải kiểm soát chi phí cụ thể, cơ quan kiểm soát phải thật khách quan để hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người thụ hưởng. Trường hợp nhiều nhà xuất bản cùng sản xuất một loại sản phẩm thì Nhà nước chỉ giám sát xem các bên có liên kết với nhau để nâng giá hay không, còn tất cả phải do thị trường quyết định. “Hiện nay có gia đình mua 1 bộ sách 1 - 2 triệu đồng là chuyện bình thường nhưng có gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần có cơ sở định giá rõ ràng và làm rõ có bảo trợ sách cho trẻ em vùng khó khăn hay không? Hỗ trợ thì lấy từ nguồn nào?”, ông Long đặt vấn đề.
Vui mừng với chất lượng các bộ sách giáo khoa mới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thành lập hội đồng thẩm định giá sách giáo khoa mới. “Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng thẩm định trên tinh thần tiền nào của đấy và để thị trường lựa chọn. UBND cấp tỉnh sẽ theo quy định để lập kế hoạch dựa trên quyết định của nhà trường”.