Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Hòa |
PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn phải thừa nhận một thực tế là cùng với tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải ngày càng gia tăng, chất lượng môi trường ngày càng kém hơn; ô nhiễm môi trường với quy mô và mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Vẫn còn các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hoặc có hệ thống xử lý nước thảinhưng chưa đạt yêu cầu; còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để…
Thực tế này đang gây cản trở to lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa đến phát triển bền vững của đất nước… Những thách thức đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để hạn chế, kiểm soát, xử lý hiệu quả lượng chất thải phát sinh; nhận thức phải đi đôi với hành động, xem bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững đất nước, không đánh đổi môi trường lấy các lợi ích kinh tế.
PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh.Ảnh: Lê Hòa |
TS. Lê Đức Luận - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII:
Theo ước tính, bình quân mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải và chất thải rắn thải ra môi trường, trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị mới đạt khoảng 86%. Việc xử lý chủ yếu theo hình thức chôn lấp, có khả năng ảnh hưởng, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi. Trung bình một ngày có khoảng 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt đổ thải ra môi trường mà không được xử lý…
TS. Lê Đức Luận. Ảnh: Lê Hòa |
Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải đô thị. Cần nghiên cứu xây dựng, ban hành các hướng dẫn, quy định phân loại và xử lý, trong đó có hướng dẫn, quy định về phân loại rác thải ngay tại nguồn; các kỹ thuật, quy trình, tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng xử lý, thu gom, vận chuyển rác thải, nước thải. Tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng và những vấn đề cấp bách về chất thải ở địa phương. Tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Hơn nữa, nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ mang tính chất “trình diễn” khi có các đoàn kiểm tra. Còn lại, những cơ sở này hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường hết công suất, gây hệ lụy khôn lường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Lê Hòa |
Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động có hiệu lực, hiệu quả các tổ giám sát và đường dây nóng phản ánh vi phạm môi trường về rác thải và nước thải, nhằm chủ động tiếp cận thông tin, kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các điểm nóng về môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thế hệ và trách nhiệm của các DN…
Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN):
Thực tế hiện nay, các cuộc kiểm toán chất thải, rác thải chưa được triển khai một cách mạnh mẽ, chưa đạt được hiệu quả mong muốn do một số một số khó khăn liên quan đến căn cứ pháp lý cho kiểm toán môi trường; các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; các đơn vị được kiểm toán chưa nhận thức được vai trò của KTNN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Ông Ngô Minh Kiểm. Ảnh: Lê Hòa |
PGS,TS. Bùi Quốc Lập - Trường Đại học Thủy lợi:
Trong số các nước phát triển, Nhật Bản nổi lên như một trong số các quốc gia coi trọng bảo vệ môi trường vì sự nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Singapore cũng được xem là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, xử lý tốt vấn đề rác thải; Hàn Quốc và Thái Lan với các chương trình có sự hỗ trợ của Chính phủ về tái chế chất thải nên đã tương đối thành công trong công tác bảo vệ môi trường.
PGS,TS. Bùi Quốc Lập. Ảnh: Lê Hòa |
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp; xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Nguyên Hiền - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM:
Đánh giá về thực trạng pháp lý trong công tác kiểm toán môi trường, tôi nhận thấy khung pháp lý, cũng như đối tượng kiểm toán môi trường chưa được rõ ràng. Về khung pháp lý đối với kiểm toán môi trường, tôi đã được tiếp cận qua Luật KTNN. Hiện nay, trước một số bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, Bộ TN&MT đang dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Ông Trần Nguyên Hiền. Ảnh: Lê Hòa |
Tại TP.HCM, công tác bảo vệ môi trường dưới áp lực đô thị hóa rất nặng nề. Vì thế, bảo vệ môi trường được xác định là 1 trong 7 lĩnh vực mà TP.HCM phải đột phá. Đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình. Sự phối hợp của KTNN để đánh giá tình hình môi trường, tình hình chất thải trên địa bàn là rất quan trọng.
H.THOAN - L.HÒA thực hiện