Theo nội dung được trình bày, trao đổi tại buổi đào tạo, dựa vào cơ sở pháp lý và các quy định có liên quan, nội dung kiểm toán lãng phí cần được xác định căn cứ vào hướng dẫn về mục tiêu, trọng tâm kiểm toán hàng năm của KTNN, các bước thực hiện kiểm toán dự án đầu tư được thực hiện theo hướng dẫn kiểm toán được ban hành theo Quyết định số 47/QĐ-KTNN ngày 14/01/2021 của KTNN.
Tuy nhiên, đối với các hành vi lãng phí trong hoạt động đầu tư dự án, cần lưu ý một số nội dung chủ yếu.
Cụ thể, đối với khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, cần lưu ý các hành vi lãng phí như: Phê duyệt dự án đầu tư không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt; thiếu tính khoa học, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; vượt định mức, đơn giá. Thẩm định vốn cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. Thẩm định nguồn vốn không đúng danh mục, sai đối tượng, vượt mức vốn, sai tỷ lệ hỗ trợ…; thời gian phân kỳ giữa các giai đoạn của dự án không phù hợp với khả năng huy động vốn hoặc giải pháp kỹ thuật. Tăng chi phí đầu tư không hợp lý do lập tổng mức đầu tư không đúng quy định…
Đối với khâu khảo sát, thiết kế xây dựng công trình, các hành vi lãng phí có thể có cần lưu ý, bao gồm: Công tác khảo sát, thiết kế thiếu chính xác hoặc không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nên phải điều chỉnh phương án thiết kế trong quá trình thực hiện, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án làm phát sinh chi phí không phù hợp, cần thiết; thiết kế vượt quy mô hoặc phương án thiết kế không đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, không đồng bộ, không hợp lý có thể dẫn đến lãng phí về chi phí đầu tư. Tính toán sai dẫn đến thiết kế thừa hoặc không đảm bảo chất lượng; biện pháp thi công bất hợp lý, chưa tối ưu...
Đối với khâu lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình, cần lưu ý các hành vi lãng phí, đó là: Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng sai so với thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự toán chi phí chưa chính xác do vượt khối lượng, định mức, đơn giá, phụ phí… theo quy định làm tăng chi phí đầu tư không hợp lý. Điều chỉnh dự toán công trình trái với quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Lập dự toán với chủng loại vật tư, vật liệu, thiết bị quá mức cần thiết, yêu cầu quá cao...
Đối với khâu lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư, cần lưu ý đánh giá lãng phí, trách nhiệm khi xảy ra việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn tới thi công không đảm bảo chất lượng, tiến độ hoặc phải điều chuyển khối lượng sang nhà thầu khác, thay thế, thanh lý hợp đồng…
Trong khâu thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình, cần lưu ý các hành vi lãng phí như: Thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình trong khi dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; không phù hợp với thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở. Thi công công trình không đúng thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, dẫn đến hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng; không đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt. Giải phóng mặt bằng chậm do nguyên nhân chủ quan, dẫn đến không bàn giao được mặt bằng thi công theo tiến độ được phê duyệt…
Trong công tác quản lý tiến độ, các hành vi lãng phí có thể có như: Giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, gói thầu chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan dẫn tới công trình chậm tiến độ thực hiện, có thể làm tăng chi phí đầu tư do phát sinh chi phí bù giá, các loại phí theo hiệp định vay vốn. Chậm đưa công trình vào sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư…
Trao đổi, thảo luận tại buổi đào tạo, các kiểm toán viên của đơn vị cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm toán hành vi lãng phí trong đầu tư xây dựng, như: chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định số tiền lãng phí để có kiến nghị phù hợp; khó xác định hành vi lãng phí đã gây thiệt hại và chưa gây thiệt hại, giá trị thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra; việc xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan đối với sai sót, tồn tại mà theo quy định là hành vi lãng phí chưa rõ ràng…
Đồng thời, đề xuất phương án tổ chức thực hiện kiểm toán hành vi lãng phí trong đầu tư xây dựng các kiểm toán viên cho rằng, trước hết cần lồng ghép kiểm toán hành vi lãng phí trong các nội dung kiểm toán dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể như, trong việc bố trí nhân sự, cần cân đối các thành viên từ kỹ sư đến tài chính, trình độ chuyên môn đồng đều; đặc biệt, cần coi trọng việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết, phân công nhiệm vụ và tiến độ thực hiện kiểm toán…
Tại buổi đào tạo, các kiểm toán viên của đơn vị cũng trao đổi, thảo luận sâu về nhiều vấn đề xung quanh nội dung giới hạn kiểm toán lĩnh vực xây lắp, giải phóng mặt bằng./.