Rút ngắn thời gian khám chữa bệnh khi sử dụng CCCD gắn chip
Với những lợi ích mang lại, nhiều đơn vị y tế tại tỉnh Thái Nguyên đã triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT. Sau gần 5 tháng thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng CCCD (từ tháng 7/2022), đến nay, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp điện tử. Đi đầu trong việc khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD là một số cơ sở khám chữa bệnh lớn như: Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên...
Một số cơ sở KCB đã mua sắm thiết bị đọc QR Code trên CCCD gắn chíp điện tử, tích hợp việc nhập số CCCD trên hệ thống phần mềm thay cho việc nhập mã số thẻ BHYT hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ miễn phí trong việc đọc QR Code trên CCCD gắn chíp điện tử.
Qua khảo sát ban đầu, việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT đem lại nhiều tiện ích cho người dân vì tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, không phải xuất trình thẻ giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn… Bên cạnh việc giảm bớt thủ tục hành chính, khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD còn nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực KCB. Việc tích hợp này giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như là một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ.
Đặc biệt, người dân khi đi khám bệnh nếu quên thẻ giấy thì có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, bệnh nhân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Đối với nhân viên y tế, khi người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh sẽ giúp xác định đúng đối tượng và toàn bộ thông tin của bệnh nhân, tiến hành tiếp nhận người bệnh nhanh hơn...
Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Phụ trách Phòng điều dưỡng Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và đơn vị. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Trước đây, khi vào khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân. Số khác có thể hỏng hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn.
Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD vào khám chữa bệnh BHYT, các cán bộ phòng điều dưỡng cùng đồng nghiệp nhận thấy cả người dân và nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, phần nào giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.
Nâng cao hiệu quả của việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh
Tuy vậy, bên cạnh những tiện ích thì hiện nay việc khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip vẫn gặp một số vướng mắc như: Trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều thẻ CCCD gắn chíp chưa tích hợp được thông tin bảo hiểm y tế nên không thực hiện được việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD, người dân chưa có thói quen đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàn, trong thời gian đầu triển khai CCCD gắn chíp dữ liệu chưa được đồng bộ, có CCCD gắn chíp có dữ liệu, có CCCD gắn chíp chưa có dữ liệu và có dữ liệu chưa khớp... Vì vậy, thời gian tới, các cán bộ y tế mong ngành BHXH tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để hoàn thiện việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp cho người bệnh và cơ sở y tế.
Trước thực tế này, Ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất Công an tỉnh và BHXH tỉnh sớm hoàn thiện và đồng bộ dữ liệu BHYT với dữ liệu dân cư để thực hiện tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD có gắn chíp; đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai tuyên truyền về sử dụng CCCD tham gia khám chữa bệnh BHYT trong nhân dân.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với ngành y tế tổ chức truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD gắn chíp khi đi KCB trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo tại các cơ sở KCB để người dân dễ tiếp cận nhất. Cung cấp tới các cơ sở KCB tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chíp, bảo đảm hiệu quả khi triển khai thực hiện. Hỗ trợ kịp thời cho cơ sở KCB và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng CCCD gắn chíp khi đi KCB BHYT, đồng thời quản lý chặt chẽ quỹ KCB BHYT. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện, người bệnh đi KCB lần đầu nên mang theo thẻ BHYT giấy hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID kèm giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp người bệnh đã KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID thì từ lần KCB sau chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID.
Để đảm bảo việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp, đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh Thái Nguyên đã đồng bộ hơn 500.000 thẻ BHYT với với CCCD, đạt tỷ lệ trên 40% số CCCD đã cấp trên địa bàn.