Triển khai kiểm toán có hiệu quả hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản

(BKTO) - Năm 2019, KTNN khu vực II thực hiện kiểm toán chuyên đề: “Việc cấp phép, quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2013-2018 tại tỉnh A và B”. Kết quả kiểm toán đã có nhiều phát hiện và kiến nghị quan trọng giúp các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS).




KTNN đã có nhiều phát hiện và kiến nghị quan trọng giúp các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng TNKS. Ảnh: NhưÝ

Bất cập từ cơ chế, chính sách đến thực tiễn quản lý

Kết quả kiểm toán Chuyên đề trên đã chỉ ra những thiếu sót, bất cập sau: Địa phương ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản còn chậm so với quy định và chưa đầy đủ; chưa ban hành hệ số quy đổi một số loại khoáng sản; chưa quy định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với đá hoa trắng sản xuất bột carbonat...

Việc chấp hành quy hoạch khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương cũng như các quy định pháp luật về cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh TNKS còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa chấp hành hoạt động liên quan đến hợp đồng thuê đất. Một số chủ đầu tư chưa chấp hành quy định về đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, môi trường. Công tác khai thác khoáng sản của DN còn sai sót như: khai thác vượt công suất quy định, thiếu hồ sơ chứng minh giám đốc điều hành mỏ đủ tiêu chuẩn theo quy định, chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, thiếu báo cáo quan trắc môi trường, không báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản.

Nhiều hạn chế trong công tác quản lý về vật liệu nổ công nghiệp: chưa lập biên bản kiểm tra thực địa tại bản đồ khu vực nổ mìn; chưa xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển. Việc thu hồi đóng cửa mỏ còn nhiều bất cập.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất trong quản lý, khai thác khoáng sản chính là vấn đề sản lượng. Thực tế, các Bộ, ngành T.Ư và địa phương đã có văn bản cùng các giải pháp như: lắp trạm cân, lắp camera... để giám sát hoạt động của DN. Tuy nhiên, chế độ tự kê khai, tự nộp, tự báo cáo đã khiến công tác quản lý sản lượng khai thác gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến thất thu thuế và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Xác định điều này, trong quá trình kiểm toán, KTNN khu vực II đã lựa chọn một số nội dung trọng tâm, trong đó có vấn đề quản lý cát. Thực tế, Tiêu chuẩn Việt Nam 7570:2006 về Cốt liệu cho bê tông và vữa - yêu cầu kỹ thuật chỉ quy định cát hạt thô và cát hạt mịn, việc cấp phép của các cơ quan chức năng chỉ nói đến mỏ xây dựng, nhưng các văn bản quản lý liên quan đến tính thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường lại thể hiện cát vàng và cát đen. Như vậy, tiêu chuẩn kỹ thuật giữa cấp giấy phép và quá trình tổ chức quản lý có khác nhau. Điều đó dẫn đến hiện tượng: cấp phép một loại, bán ra thực tế một loại và kê khai một loại khác.

Năm 2017 trở về trước, việc kê khai thuế tài nguyên liên quan đến cát chỉ chênh lệch 10.000 đồng, nhưng từ năm 2018, theo khung giá của Nhà nước, giá cát có sự chênh lệch rất lớn, chẳng hạn cát đen ở tỉnh A là 70.000 đồng và cát vàng là 245.000 đồng. Thực trạng này dẫn đến gian lận lớn trong kê khai. Điều đáng nói là cơ quan quản lý giám sát hầu như không phát hiện ra vấn đề này. Vì thế, trong quá trình làm việc với cơ quan thuế, KTNN khu vực II đã yêu cầu cơ quan này báo cáo các DN trong niên độ phải kê khai sản lượng cát đen và cát vàng. Sau khi có số liệu, KTNN khu vực II làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để yêu cầu cung cấp hồ sơ cấp mỏ. Kết quả kiểm toán giúp địa phương nhìn nhận rõ những bất cập để có biện pháp tăng cường quản lý nhà nước, ngăn ngừa tình trạng gian lận trong kê khai sản lượng và hạn chế thất thoát ngân sách.

Tăng cường áp dụng công nghệ mới, đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, KTNN cần thực hiện một số giải pháp sau:
Đổi mới hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng TNKS, trọng tâm là đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, phương pháp kiểm toán và kỹ thuật kiểm toán.

Nghiên cứu mở rộng phạm vi, nội dung kiểm toán để phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng TNKS.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán có tính chất trọng yếu, nhiều nội dung kiến nghị có tầm vĩ mô, cần nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán, tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng lực lượng kiểm toán viên nòng cốt, có trình độ chuyên môn.

Tăng cường kiểm toán việc quản lý, khai thác khoáng sản thông qua áp dụng công nghệ mới, phân tích trọng yếu rủi ro, áp dụng phương pháp theo tư vấn đo đạc hiện trường mỏ, xác định trữ lượng chưa khai thác và so sánh với trữ lượng khi bàn giao mỏ để đối chiếu sản lượng khai thác nhằm phát hiện gian lận trốn thuế.

Thường xuyên trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình kiểm toán nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán chuyên đề, đồng thời tạo sự đồng thuận trong kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Hằng năm, căn cứ kết quả kiểm toán chuyên đề quản lý, khai thác khoáng sản, tổ chức tọa đàm, nghiên cứu, trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán chuyên đề, đồng thời xây dựng Cẩm nang để phục vụ tốt hơn cho công tác kiểm toán kỳ sau.
(Lược ghi tham luận của ông NGUYỄN THANH MINH - KTNN khu vực II - tại Tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản)
Cùng chuyên mục
Triển khai kiểm toán có hiệu quả hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản