Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu |
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Đề tài do ThS. Trần Minh Khương (KTNN khu vực XIII) và ThS. Trần Văn Hòe (KTNN khu vực XII) đồng Chủ nhiệm.
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, tài sản công được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản 2017, Khoản 11 Điều 3 Luật KTNN. Hiến pháp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật KTNN đều quy định KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. KTNN thực hiện chức năng này thông qua 3 loại hình kiểm toán, trong đó có kiểm toán hoạt động (KTHĐ).
Hiện nay, KTNN đã ban hành các quy định về KTHĐ như: Chuẩn mực kiểm toán số 300- Các nguyên tắc của KTHĐ; Chuẩn mực KTNN số 3000- Hướng dẫn KTHĐ, các quy trình kiểm toán có liên quan… Tuy nhiên, các quy định này đều chưa thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương. Đồng thời, thời gian qua, chưa có KTNN khu vực nào thực hiện cuộc KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản công một cách đầy đủ với các mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Do đó, KTNN cần phải xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Đề tài được xây dựng với kết cấu 3 phần: Chương 1- Những vấn đề cơ bản về KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Chương 2 - Thực trạng KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Chương 3 - Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, mang tính thực tiễn, phù hợp với hoạt động kiểm toán ngân sách. Với việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã giải quyết được vấn đề đặt ra cũng như đưa ra hướng dẫn về mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán, tiêu chí kiểm toán khi thực hiện KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Hội đồng nghiệm thu cũng kiến nghị Ban Chủ nhiệm cần xác định rõ đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài; làm rõ thêm cơ sở lý luận về tiêu chí, phương pháp tiếp cận và tổ chức hoạt động KTHĐ; bổ sung thực trạng việc xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ trên cả khía cạnh kế hoạch kiểm toán tổng quát cũng như kế hoạch chi tiết liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Ngoài ra, Ban Đề tài cũng cần xác định các phương hướng cơ bản làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí KTHĐ; xem xét, bổ sung việc xác định giá trị chuyển đổi tài sản công, hình thức chuyển đổi tài sản công; xây dựng tiêu chí kiểm toán gắn với đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả theo cách phân nhóm tài sản hoặc hoạt động quản lý, sử dụng tài sản thay vì đề xuất tiêu chí về nguyên tắc, yêu cầu…
Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên yêu cầu: Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó lưu ý làm rõ thực trạng, đề xuất, kiến nghị cũng như các vấn đề đảm bảo tính khoa học, logic. Phạm vi nghiên cứu cần tập trung vào KTHĐ ngân sách địa phương, trong đó xác định đây cuộc kiểm toán độc lập hay kiểm toán lồng ghép...
Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá cho Đề tài.
Tin và ảnh: THÙY LÊ